Vĩ mô

Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà chia sẻ bí quyết thoát tăng trưởng âm, bật lên top đầu

Tâm An - Xuân Ngọc - Hiền Anh 19/07/2024 - 11:17

Sau hai năm tăng trưởng âm liên tiếp, Khánh Hòa bứt tốc ngoạn mục, vượt lên top đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng, đồng thời chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào cuộc đua ‘xanh’.

Lời tòa soạn:
Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thể hiện rõ nét khi GDP quý II đạt gần 7%, đưa GDP nửa đầu năm đạt mức tăng 6,42%. Góp chung vào quá trình phục hồi đó là sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương, trong đó có câu chuyện bứt phá của Khánh Hoà sau 2 năm lao đao vì Covid-19. Những thay đổi về tư duy và hành động, cùng khả năng nắm bắt xu hướng 'xanh' đã tạo nên con số tăng trưởng đi cùng nhiều điều mới mẻ của địa phương này.
Tuyến bài "Khánh Hoà làm mới các động lực tăng trưởng" được VietNamNet thực hiện mô tả hành trình vượt khó vươn lên và đón đầu xu thế của địa phương này.

Trò chuyện với VietNamNet,ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh, kinh tế Khánh Hòa đang từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại sau đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh đạt 10,35% - đứng thứ tư cả nước và 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12,7% - đứng thứ hai cả nước.

Bài học về đa dạng hóa động lực tăng trưởng

- 6 tháng năm 2024, tăng trưởng GRDP của Khánh Hoà vươn lên đứng thứ hai cả nước. Động lực nào giúp Khánh Hoà lọt top tăng trưởng cao năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, thưa ông?

Ông Trần Hòa Nam:

Khánh Hòa đã tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành các dự án đầu tư trọng điểm, quy mô lớn. Trong đó, phải kể đến dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong, với tổng công suất 1.320MW, góp phần duy trì mức tăng trưởng 8,9% cho ngành công nghiệp (năm 2023) và ước đạt 35,3% trong 6 tháng đầu năm nay.

W-TRAN HOA NAM PCT UBND TIN.jpg
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Cần đa dạng hóa các động lực tăng trưởng, tránh phụ thuộc vào một số ngành, thị trường hay sản phẩm. Ảnh: Xuân Ngọc

Tuyến đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, được đầu tư hoàn thành và đi vào khai thác, giúp tăng khả năng kết nối vùng, mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển cho tỉnh.

Khánh Hòa cũng tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, kích cầu du lịch, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh. Tỉnh đã tập trung kết nối, phát triển các đường bay phục vụ khách du lịch. Hiện mỗi ngày, tỉnh có 17 chuyến bay từ Hàn Quốc, 16 chuyến bay từ Trung Quốc; mỗi tuần có từ 5-7 chuyến từ các thị trường như Thái Lan, Kazakhstan, Malaysia...

Nhờ đó, du lịch địa phương thực sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu từ du lịch năm 2023 đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2022. Còn 6 tháng đầu năm nay, doanh thu ước đạt 27 nghìn tỷ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

- Từng trải qua 2 năm tăng trưởng âm liên tiếp trong thời gian đại dịch Covid-19 nổ ra, tỉnh Khánh Hòa đã rút ra những bài học như thế nào trong việc đa dạng các động lực tăng trưởng, tránh các cú sốc đột ngột?

Đúng là phải nhìn nhận thực tế trước kia, cơ cấu kinh tế của tỉnh Khánh Hòa thiếu cân bằng, như dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng lớn, tới hơn 50% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh. Vì vậy, dịch Covid-19 ập đến, nền kinh tế địa phương bị tổn thương nghiêm trọng, kéo tăng trưởng xuống mức âm vào năm 2020 và 2021.

Cũng từ đó, chúng tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là cần đa dạng hóa các động lực tăng trưởng, tránh phụ thuộc vào một số ngành, thị trường hay sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của kinh tế địa phương trước các cú sốc đột ngột từ bên ngoài.

Khánh Hòa xác định phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng cân bằng, đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả. Trong đó, phát triển kinh tế biển là nền tảng gắn với nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

W-du lich 4.jpg
Du lịch Khánh Hòa phục hồi và tăng trưởng mạnh. Ảnh: Xuân Ngọc

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng các thị trường mới. Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, đẩy mạnh xúc tiến với các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ... nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn khách quốc tế, hướng đến sự phát triển bền vững.

Một điểm quan trọng nữa là chúng tôi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đưa vào khai thác các dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm, nhất là các dự án giao thông kết nối vùng, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh còn đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chú trọng kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,...

Khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm”

- Hiện nay nhiều nơi có tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong xử lý công việc. Khánh Hòa có giải pháp gì để thay đổi điều này?

Thời gian qua, đúng là cán bộ tỉnh có biểu hiện bệnh sợ trách nhiệm xuất hiện rõ nét, nhất sau khi có kết luận thanh tra liên quan đến những sai phạm về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, đất đai, môi trường, đầu tư dự án, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... mà các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 mắc phải.

Khi đó tinh thần làm việc của cán bộ, công chức, viên chức xuống mức thấp, nảy sinh tâm lý sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án. Lề lối làm việc các cơ quan trong quá trình rút kinh nghiệm cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ và chất lượng giải quyết của chính quyền tỉnh.

Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 (Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 15) cũng đã thừa nhận vẫn còn tồn tại hạn chế: “Một số cán bộ, công chức ở các địa phương, đơn vị có biểu hiện sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc”.

Song cũng phải thừa nhận rằng khó để đánh giá chính xác đó là hành vi né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm.

W-khu cong nghien.jpg
Khánh Hòa sẽ thu hút đầu tư để làm các khu công nghiệp xanh. Ảnh: Xuân Ngọc

Để khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm” này và khuyến khích sự sáng tạo, tỉnh sẽ triển khai linh hoạt các phương pháp kiểm tra, giám sát trực tiếp. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trên cơ sở mở rộng, đề cao dân chủ nhằm kích hoạt tinh thần dám nghĩ, dám làm và các nhân tố mới.

Các đơn vị tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Từ đó, kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

Cùng với đó, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị cần kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế; biểu dương, khen thưởng kịp thời và thích đáng đối với các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức, viên chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Ưu tiên phát triển xanh

- Cam kết Net Zero của Chính phủ đã đặt ra yêu cầu thay đổi cách nghĩ, cách làm đến từng địa phương, doanh nghiệp, người dân. Khánh Hoà phải thay đổi như thế nào trong hoạch định và triển khai phát triển kinh tế - xã hội từ chủ trương này, thưa ông?

Với chủ trương này, cơ hội và thách thức luôn đi kèm với nhau. Tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư với dự án xanh, năng lượng sạch, hạ tầng năng lượng để thực hiện chuyển đổi xanh; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Tuy nhiên, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi xanh hiện nay còn gặp nhiều rào cản. Hiện các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện ở Việt Nam chưa được hoàn thiện; ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao; vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi xanh còn thiếu; công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém.

W-det may 1.jpg
Khánh Hòa ưu tiên các chính sách hỗ trợ cho sản xuất xanh. Ảnh: Xuân Ngọc

Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh còn hạn chế về nguồn lực, công nghệ và nhân lực để thực hiện các mô hình sản xuất xanh; ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân còn nhiều hạn chế, cần phải được tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh TP Nha Trang giai đoạn 2024-2030; triển khai xây dựng Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030, với các lĩnh vực trọng tâm là nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, du lịch xanh, hạ tầng đô thị xanh, giao thông xanh và lối sống xanh. Dự kiến tháng 8, đề án sẽ được phê duyệt.

- Việc thu hút đầu tư của tỉnh sẽ phải thay đổi như thế nào để đáp ứng tiêu chí “xanh” trong bối cảnh Khánh Hoà muốn đa dạng các động lực tăng trưởng, không chỉ dựa vào du lịch?

Môi trường và công nghệ được tỉnh ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn các dự án đầu tư. Tỉnh chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc và lựa chọn các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường, giảm lượng phát thải, tạo ra các sản phẩm xanh, mang lại giá trị bền vững. Nói không với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng.

- Dù thế nào du lịch vẫn sẽ đóng góp lớn cho GRDP tỉnh. Thế mạnh này sẽ chuyển hướng như thế nào để đáp ứng phát triển xanh và bền vững, thưa ông?

Năm 2023 là cột mốc quan trọng cho sự phục hồi của du lịch Khánh Hòa. Tổng lượt khách lưu trú tăng 182% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế tăng gấp 8 lần.

Xác định phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững là xu thế tất yếu, tỉnh đã quy hoạch định hướng các không gian, dự án du lịch xanh để kêu gọi các nhà đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh “du lịch có trách nhiệm".

W-du lich 5.jpg
Du lịch sinh thái, du lịch xanh đang được đẩy mạnh ở Khánh Hòa: Ảnh: Xuân Ngọc

Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh; hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần và các sản phẩm làm từ vật liệu không tái chế.

- Trên hành trình chuyển đổi theo hướng “xanh” tiến tới mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 theo cam kết của Chính phủ, có điều gì ông muốn nhắn nhủ tới doanh nghiệp và người dân?

Lựa chọn con đường 'màu xanh' này, chúng tôi hiểu rằng Khánh Hoà rất cần sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Trong quá trình chuyển đổi theo hướng xanh, doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định.

Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa, phát huy sự đổi mới sáng tạo, mạnh dạn thay đổi công nghệ, chuyển đổi sang sản xuất xanh, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và bền vững, mang lại lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường. Đây là chìa khóa mang lại thành công cho doanh nghiệp.

Tôi cũng mong người dân nâng cao hơn nhận thức về lối sống xanh, hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Đừng quên thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Hãy coi đây là trách nhiệm và vinh dự lớn lao của mỗi người.

Chính quyền tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong hành trình sản xuất xanh và tiêu dùng dùng xanh, cùng nhau hướng đến một tương lai phát triển bền vững.

>> Việt Nam sắp có khu công nghiệp Net-zero đầu tiên

Việt Nam sắp có khu công nghiệp Net-zero đầu tiên

Nhu cầu AI đẩy lượng khí thải của Google tăng vọt gần 50% trong 5 năm, mục tiêu net zero gặp trở ngại

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/pho-chu-tich-tinh-khanh-hoa-chia-se-bi-quyet-thoat-tang-truong-am-bat-len-top-dau-2299709.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà chia sẻ bí quyết thoát tăng trưởng âm, bật lên top đầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH