Phố núi 120 năm tuổi xanh nhất Việt Nam quy hoạch đẹp như tranh, tỷ lệ xanh cao gấp gần 30 lần TP. HCM
Tại thành phố này, có những "lá phổi xanh" hàng chục năm tuổi vẫn đang được bảo tồn, duy tu và gìn giữ bản sắc văn hoá của địa phương.
Hiện nay, Buôn Ma Thuột được đánh giá là một trong những đô thị có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, tỷ lệ cây xanh toàn thành phố 17,2m2/người, nội thành 8,3m2/người và đang tiếp tục tăng lên, đóng góp tích cực vào việc lọc sạch không khí, giảm bụi giao thông, chống biến đổi khí hậu, giảm ngập úng và tạo điểm nhấn đô thị.
Trong khi đó, tỷ lệ cây xanh đô thị tại TP. HCM chỉ đạt 0,57m2/người, tại Hà Nội 2,06m2/người, TP.Huế đứng top cũng chỉ có tỷ lệ cây xanh toàn thành phố 12,9m2/người.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam chỉ từ 2-3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20-25m2/người. Như vậy, thành phố Buôn Ma Thuột đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn thành phố xanh hiện đại của thế giới, gấp 30 lần TP. HCM.
Quy hoạch trật tự vuông vắn của thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh internet
Hồi đầu tháng 3, thành phố lại tiếp tục phát động đợt chỉnh trang đô thị trên địa bàn toàn thành phố, chỉnh trang hạ tầng đô thị, trồng cây xanh. Trồng mới ít nhất 5.000 cây xanh trên các tuyến đường, công viên, khu vực công cộng.
Hằng năm, Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đều tiến hành chặt hạ những cây có độ nghiêng lớn, lệch tán, mục gốc, cây còi cọc, kém phát triển và trồng thay thế. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã chặt hạ 115 cây, trồng thay thế 43 cây, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Trung tâm tại thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh internet
Hiện nay, trong bối cảnh nỗ lực xây dựng thành phố thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên mang bản sắc riêng, Buôn Ma Thuột đang tích cực thực hiện đầu tư các công trình hoa viên, công viên giai đoạn 2021-2025; lập đề án phát triển cây xanh đô thị lồng ghép vào các chương trình quy hoạch xây dựng đô thị và quy chế quản lý kiến trúc của thành phố.
Ngay cửa ngõ phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, hai bên đường Nguyễn Lương Bằng (Quốc lộ 27, xã Hoà Thắng) là khu rừng trồng từ những năm 1940-1945. Khu rừng rộng hơn 71ha, gồm các loại cây như sao đen, tếch, thông, cà te... mục đích ban đầu là trồng thực nghiệm.
Cùng với các cánh rừng trăm năm tuổi, tại thành phố Buôn Ma Thuột còn có những "lá phổi xanh" hàng chục năm tuổi như Lâm viên Buôn Ma Thuột (phường Tân An), rừng thông 19/5 (phường Ea Tam) và hàng loạt công viên cây xanh.
Hai bên đường Nguyễn Lương Bằng là khu rừng trồng từ những năm 1940-1945. Ảnh: VOV
Cũng được trồng từ trăm năm trước, hàng cây sao đen trên đường Đam San, đường vào Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Tỉnh Đắk Lắk đang có quy hoạch mở rộng sân bay Buôn Ma Thuột. Yêu cầu tiên quyết của tỉnh Đắk Lắk là phải giữ bằng được hàng cây cổ thụ có giá trị lịch sử và văn hoá này. Đó là chứng tích lịch sử 120 năm hình thành, phát triển tỉnh Đắk Lắk và đô thị Buôn Ma Thuột.
Thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào – Việt Nam – Campuchia.
Mảng xanh phủ kín thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh vệ tinh
Đây cũng là đô thị vùng quy tụ 44 dân tộc anh em với nền văn hóa đặc sắc của những lễ hội truyền thống, và một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Buôn Ma Thuột được Đảng và Nhà nước xác định có vị trí rất quan trọng về chính trị quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên.
Vietjet và hành trình 10 năm kết nối Buôn Ma Thuột - Vinh với hơn 5.000 chuyến bay
Tập đoàn Thuận An xin dừng thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột