Phó Thủ tướng ra chỉ đạo mới về dự án 'siêu cảng' lớn nhất Việt Nam
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 9/2024.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 418, ngày 13/9, kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về hồ sơ chủ trương đầu tư dự án bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, hay còn gọi là bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ thẩm định và xác định rõ các điều kiện, mục tiêu, cũng như yêu cầu đầu tư, khai thác cho dự án bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong đó, tập trung xác định các yếu tố quan trọng trong giai đoạn 5 năm tới (đến năm 2030). Việc đầu tư xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chỉ thực hiện khi đáp ứng yêu cầu vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư hợp tác với các bộ liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng UBND TP.HCM. Mục tiêu là tận dụng tối đa các thông tin và số liệu từ đề án xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do UBND TP.HCM lập, để cập nhật hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ngoài nội dung đánh giá tác động, mối quan hệ giữa bến cảng Cần Giờ và khu bến cảng Cái Mép, cần chỉ rõ phương án kế hoạch đầu tư hạ tầng kết nối theo đúng định hướng, quy hoạch phát triển của TP.HCM (TP.HCM chịu trách nhiệm công bố kế hoạch phát triển các hạ tầng như giao thông, điện, nước… phục vụ đầu tư, khai thác bến cảng Cần Giờ).
Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ |
>> Siêu cảng Cần Giờ lọt vào 'mắt xanh' của hãng tàu lớn bậc nhất thế giới
Vì dự án liên quan đến khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, có tầm quan trọng đặc biệt đối với TP.HCM và khu vực, cho nên phải đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về tác động, ảnh hưởng đến môi trường; việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư kiên quyết không "hy sinh" môi trường, chỉ rõ khu vực, diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM căn cứ theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nghiên cứu xem xét bổ sung một số tiêu chí quan trọng khác để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Cụ thể, TP.HCM có thể xem xét các nội dung như: Thu hút được hãng tàu có đội tàu chiếm tỷ trọng lớn trên thế giới; yêu cầu về quy mô đầu tư, vốn đầu tư xây dựng trong 5 năm (phải hoàn thành đầu tư 4 bến cảng với tổng vốn khoảng 1,5 tỷ USD); hợp tác với doanh nghiệp trong nước để đầu tư, khai thác cảng; thực hiện đúng cam kết thu hút được khối lượng hàng hóa quốc tế trung chuyển qua cảng…
"Nhà đầu tư được lựa chọn phải bảo đảm thực hiện đầu tư theo đúng phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ, theo đúng lộ trình, phân kỳ đầu tư theo yêu cầu của Cơ quan quản lý Nhà nước và đề xuất của TP.HCM" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP.HCM hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư đề xuất dự án nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến bằng văn bản và ý kiến phát biểu tại cuộc họp của các bộ, cơ quan để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề xuất theo quy định pháp luật, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 9/2024.
>> Sài Gòn sắp có cảng trung chuyển quốc tế: Động lực phát triển kinh tế biển vùng Đông Nam Bộ
Siêu cảng Cần Giờ lọt vào 'mắt xanh' của hãng tàu lớn bậc nhất thế giới
TP. HCM: Đề xuất hỗ trợ 1.000 tỷ đồng để người dân Cần Giờ chuyển sang đi xe điện