Thảm họa này được đánh giá là thảm khốc hơn gấp nhiều lần so với những gì diễn ra với con tàu Titanic huyền thoại.
Số phận của con tàu du lịch khổng lồ
Wilhelm Gustloff (1937-1945) là 1 con tàu du lịch loại lớn (dài 208m, nặng 25.000 tấn), được đặt hàng bởi Hamburg-South America Line và do xưởng Blohm & Voss đóng. Ban đầu, nó được đặt đóng với mục đích trở thành tàu trở khách, cung cấp các hoạt động giải trí, văn hóa cho công nhân, công chức Đức.
Tàu Wilhelm thường xuyên tổ chức các chuyến đi xa, các buổi giao lưu, hòa nhạc... Tuy nhiên sau này, nó lại bị trưng dụng để phục vụ các mục đích quân sự, với vai trò chính là vận chuyển nhu yếu phẩm, vật tư y tế.
Theo nhiều tài liệu, con tàu này được đặt tên theo tên 1 lãnh đạo đảng Quốc Xã, Wilhelm Gustloff, người bị ám sát tại Thụy Sĩ vào năm 1936 như 1 sự tưởng nhớ đến cái chết của ông. Đến giữa năm 1939, nó bắt đầu được trưng dụng để cho mục đích quân sự, chuyên chở Quân đoàn lê dương trở về từ Tây Ban Nha sau cuộc nội chiến ở đây, các binh sĩ Đức bị thương được Wilhelm chở về quê hương.
Sau đó, Wilhelm lần lượt trở thành bệnh viện nổi phục vụ quân đội đến năm 1940 và doanh trại nổi cho các nhân viên hải quân tại biển Baltic. Trong 2 năm kể từ khi được trưng dụng, Wilhelm mang lại rất nhiều lợi ích, tác dụng cho hải quân Đức khi nó phục vụ 4 chuyến đi xa, chuyên chở đến hơn 3.000 người bị thương trở lại Đức.
Vụ tai nạn thảm khốc nhất lịch sử hàng hải
Vào đầu năm 1945, quân Liên Xô tiến vào Đông Phổ, buộc phía Đức phải tiến hành chiến dịch Hannibal, với mục đích di tản phần lớn nhân viên quân sự cùng thường dân ra khỏi khu vực đó. Và Wilhelm đã được chọn để hỗ trợ hoạt động di tản có quy mô cực lớn này.
Với nhiệm vụ được giao, Wilhelm sẽ chuyên chở thường dân, thủy thủ và lính Đức từ Gotenhafen đến Kiel. Mặc dù tải trọng của nó được thiết kế để chở 1.500 người nhưng con tàu này đã gồng mình để di tản hơn 10.000 người, 1 con số khổng lồ.
Về sau, Heinz Schön, một chuyên gia nghiên cứu về vụ chìm tàu này đã đưa ra kết luận: "Lúc đó trên tàu có 173 người của lực lượng vũ trang hải quân phụ, 918 nhân viên của Sư đoàn Đào tạo tàu ngầm số 2, 373 phụ nữ làm trợ lý cho hải quân, 162 thương binh và 8.956 dân thường, với tổng số là 10.582 hành khách".
Gồng mình để di tản số lượng người gấp 7 lần thiết kế, mọi sơ suất hay trục trặc nhỏ nhất cũng sẽ dẫn đến thảm họa cho tàu Wilhelm Gustloff. Vào ngày 30/1/1945, Wilhelm bắt đầu cuộc hành trình cuối với 1 tàu chở khách và 2 tàu ngư lôi hộ tống. Tuy nhiên, tàu chở khách đó và 1 trong 2 chiếc tàu ngư lôi gặp trục trặc kỹ thuật nên không thể tiếp tục hành trình, nên Wilhelm chỉ được bảo vệ bởi 1 tàu ngư lôi duy nhất.
Ngay khi khởi hành, con tàu khổng lồ này đã gặp phải điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, gió mạnh, nhiệt độ thấp, có cả tuyết khiến cho việc di tản càng khó khăn hơn. Đó chính là những điềm báo đầu tiên cho cái kết của Wilhelm Gustloff.
Bỏ qua lời khuyên của thiếu tá Wilhelm Zahn, một sỹ quan tàu ngầm muốn tàu di chuyển ở vùng nước nông và tắt hết đèn để tránh bị phát hiện, chỉ huy tàu quyết định đi ở vùng nước sâu và bật đèn sáng để tránh va chạm. Nhưng chính điều này lại khiến họ dễ bị phát hiện hơn nhiều.
Với việc bật đèn sáng trưng thì không khó để tàu ngầm S-13 của Liên Xô phát hiện ra Wilhelm. Thấy vậy, thuyền trưởng Alexander Marinesko của tàu S-13 đã ra lệnh phóng 4 quả ngư lôi tấn công tàu Wilhelm Gustloff, tuy nhiên có 1 quả không nổ nên chỉ có 3 quả tiến về phía trước.
Không được trang bị vũ khí phòng ngự hoặc chống lôi, con tàu Wilhelm dính liền cả 3 "phát đạn". Sau những tiếng nổ lớn, 3 quả ngư lôi đã phá hủy phần mũi tàu, thân tàu và cả phòng máy, khiến cho Wilhelm mất điện hoàn toàn.
Lúc này, nhiệt độ của biển Baltic ở mức vô cùng thấp, chỉ khoảng 4 độ C, cùng với đó là nhiệt độ không khí xuống tới -18 độ C, băng nổi khắp nơi trên mặt biển. Nếu có người rơi xuống nước thì cơ hội sống sót có lẽ không quá 1%. Do vậy việc nhảy khỏi tàu để tránh bị chìm là việc không thể.
Chỉ sau 45 phút, tàu Wilhelm đã nghiêng hẳn sang 1 bên, mũi tàu bị chúc xuống, có lúc nghiêng tới 36 độ. Và 45 phút sau đó thì Wilhelm chìm hẳn vào lòng biển Baltic. Trong số hơn 10.000 hành khách, chỉ có khoảng hơn 1.200 người được cứu, còn lại đều đã bỏ mạng do ngư lôi phát nổ hoặc chết cóng dưới làn nước biển.
Nhà nghiên cứu Schön Heinz cho biết có khoảng hơn 9.300 hành khách đa phần là thường dân đã thiệt mạng, biến Wilhelm Gustloff trở thành bi kịch hàng hải thảm khốc, nhiều người chết nhất lịch sử thế giới. Và với con số trên, sự mất mát của nó vượt xa thảm họa Titanic (1.198 hành khách thiệt mạng).
>> Bí ẩn con tàu ma 'xuyên không' nguyên vẹn sau 4 thế kỷ nhờ hiện tượng 'ngàn năm có một'