PVS được trao thầu 600 triệu USD, tiếp tục nhận nhiệm vụ lớn trong chuyến tháp tùng Thủ tướng tại Malaysia
Tổng Giám đốc PTSC (PVS) Trần Hồ Bắc nhận định đây là dấu mốc quan trọng với lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển kinh tế xanh, tạo việc làm chất lượng cao.
![]() |
Thủ tướng ba nước Việt Nam - Malaysia - Singapore chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu điện (Nguồn ảnh: VGP) |
Ngày 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác xuất khẩu điện tái tạo từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore. Thỏa thuận được ký trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại Kuala Lumpur.
Theo đó, Liên danh Năng lượng Malaysia (gồm Tenaga Nasional Berhad và Petronas), Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC – mã PVS) và Sembcorp Utilities (Singapore) sẽ hợp tác nghiên cứu xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Malaysia qua tuyến cáp ngầm kết nối lưới điện quốc gia. Các bên cũng xem xét bổ sung thêm nguồn điện và hệ thống lưu trữ để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Thỏa thuận đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong tiến trình xây dựng lưới điện ASEAN, thúc đẩy thương mại điện sạch xuyên biên giới. Thủ tướng Malaysia kỳ vọng tuyến cáp ngầm truyền tải từ Việt Nam sẽ trở thành biểu tượng của thành công khu vực trong chuyển dịch năng lượng.
Tổng Giám đốc PTSC – ông Trần Hồ Bắc – nhận định đây là dấu mốc quan trọng với lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển kinh tế xanh, tạo việc làm chất lượng cao.
>> 4 tháng nữa, ngành dầu khí có thể đón tin vui từ 'mỏ vàng đen' 70–80 triệu thùng
Hàng loạt hợp đồng lớn trong nước và quốc tế
Cập nhật từ Chứng khoán Maybank cho biết, PVS đang trong quá trình hoàn tất bàn giao 33 chân đế điện gió trong hợp đồng trị giá 320 triệu USD với Ørsted – tập đoàn phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, PVS đã ký thêm hợp đồng chế tạo chân đế điện gió quy mô lớn hơn, doanh thu dự kiến ghi nhận trong 2026–2027. Công ty cũng đang thực hiện chế tạo 6 trạm biến áp cho điện gió ngoài khơi.
Ở lĩnh vực truyền thống, PVS đang triển khai 3 gói thầu thuộc dự án mỏ khí Lô B với tổng giá trị gần 1 tỷ USD trong đó, gói EPCI#1 hoàn thành 22%, gói EPCI#2 đạt 46%, và gói EPCI#3 (đường ống trên bờ) đang triển khai.
![]() |
Tháng 5/2025, PVS tiếp tục nhận thư trao thầu gói FSO Lô B trị giá 600 triệu USD, bao gồm 14 năm thuê chính thức (480 triệu USD) và 9 năm tùy chọn gia hạn (120 triệu USD). FSO này dự kiến hoạt động từ quý IV/2027. Cùng với FSO mỏ Lạc Đà Vàng đã nhận thầu trước đó, đội tàu FSO của PVS sẽ nâng lên 8 chiếc trong vòng hai năm.
Hiện tại, hoạt động FSO/FPSO mang lại tới 75% lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PVS. Ngoài ra, PVS đang theo đuổi thêm gói thầu EPC trị giá khoảng 400 triệu USD tại mỏ Sư Tử Trắng.
Chiến lược mở rộng lĩnh vực mới: Điện hạt nhân và xuất khẩu điện
PVS đang thể hiện tham vọng dài hạn khi đặt mục tiêu đồng sở hữu trang trại điện gió ngoài khơi và tuyến cáp ngầm dài 1.000km xuất khẩu điện sang Singapore. Động lực đến từ việc Singapore vừa nâng mục tiêu nhập khẩu điện sạch từ 4GW lên 6GW.
Ngoài ra, nếu Việt Nam tái khởi động dự án điện hạt nhân và giao cho PVN triển khai, PVS kỳ vọng có thể nắm giữ ít nhất 50% tỷ lệ nội địa hóa trong các hạng mục thiết bị và dịch vụ.
Năm 2024, PVS đạt doanh thu thuần gần 23.800 tỷ đồng – tăng trưởng năm thứ ba liên tiếp; lợi nhuận sau thuế đạt 1.255 tỷ đồng – cao nhất kể từ năm 2016. PVS là công ty thành viên của Petrovietnam (PVN) – tập đoàn có doanh thu gần 1 triệu tỷ đồng trong năm 2024.
Ngày 29/5 tới, PVS sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 theo hình thức trực tuyến, thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cổ tức, kế hoạch đầu tư và chiến lược phát triển mới.