'Quá tải' về mật độ nhà ở, 'tiểu Paris' của Việt Nam sẽ lập thêm 5 đô thị, tăng diện tích gấp gần 9 lần hiện tại
Dự kiến, dân số của địa phương đến năm 2035 đạt khoảng 1,1-1,15 triệu người và đến năm 2045 khoảng 1,9-1,95 triệu người.
HĐND tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua nghị quyết điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Đà Lạt và vùng phụ cận, định hướng đến năm 2045.
Quy hoạch mới chia TP. Đà Lạt và vùng phụ cận thành hai khu vực Bắc - Nam, phát triển theo mô hình đa trung tâm, gồm hai đô thị trung tâm và ba đô thị vệ tinh.
Theo đó, không gian đô thị sẽ được chia thành 9 phân khu chức năng, bao gồm: khu đô thị trung tâm lịch sử, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu nông nghiệp du lịch sinh thái, khu du lịch sinh thái gắn với đa dạng sinh học, khu đô thị xanh, khu vực rừng tự nhiên và các khu vực khác.
Phạm vi ranh giới quy hoạch bao trùm toàn bộ địa giới hành chính của TP. Đà Lạt cùng các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với tổng diện tích khoảng 335.930ha – gần gấp 9 lần diện tích hiện tại của TP. Đà Lạt.
Quy hoạch nhấn mạnh nhiệm vụ bảo tồn và phát triển Đà Lạt trở thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và cảnh quan tự nhiên.
Thành phố hướng tới phát triển theo mô hình bền vững, kết hợp du lịch, văn hóa, khoa học xanh và hiện đại đạt đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển mới của TP. Đà Lạt, đón đầu các dự án trọng điểm mà Lâm Đồng đang triển khai, như đường cao tốc, cảng hàng không; giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông và sự phá vỡ không gian đô thị, đặc biệt tại vùng lõi của Đà Lạt.
Trước nguy cơ quá tải về mật độ nhà ở, dân cư và du khách, dẫn đến nguy cơ phá vỡ cảnh quan kiến trúc, Lâm Đồng đã quy hoạch 5 đô thị vệ tinh để giảm tải cho Đà Lạt, giúp vùng lõi thành phố tránh bị "biến dạng" trước áp lực đô thị hóa mạnh mẽ từ bất động sản du lịch và nhập cư.
Quy hoạch này còn bao gồm lộ trình chuyển đổi huyện Đức Trọng thành thị xã trong tương lai, nhằm chia sẻ các chức năng thương mại, dịch vụ và nhà ở với Đà Lạt.
Một đô thị vệ tinh quan trọng khác được định hướng phát triển ở hướng đông bắc, nơi còn quỹ đất và mảng xanh lớn, bao gồm các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành (Đà Lạt) và một phần huyện Lạc Dương.
Thời hạn quy hoạch được xác định đến năm 2045, với giai đoạn ngắn hạn đến năm 2035. Dự kiến dân số của thành phố đến năm 2035 đạt khoảng 1,1-1,15 triệu người và đến năm 2045 khoảng 1,9-1,95 triệu người.
Hiện nay, Đà Lạt là đô thị loại I, là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc khu vực Tây Nguyên, với diện tích 391,15km2, bằng một nửa diện tích của tỉnh Bắc Ninh (822,7 km2). Đây cũng là một thành phố du lịch nổi tiếng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đà Lạt đã đón hơn 5 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,2% kế hoạch đề ra.
Trong đó, lượng khách quốc tế đạt hơn 300.000 lượt, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2023, và đạt 54,7% kế hoạch. Khách lưu trú đạt hơn 3,6 triệu lượt, tăng gần 15%, chiếm 48,1% kế hoạch năm. Năm 2023, tổng số lượt khách du lịch đến Đà Lạt đạt 6.697.300 lượt, tăng 11,62% so với năm 2022, vượt 104,6% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, khách quốc tế, đặc biệt là khách Hàn Quốc, tăng mạnh với khoảng 360.000 lượt, tăng 166,7% so với năm 2022 và đạt 102,9% kế hoạch năm. Trong số đó, có 342.000 lượt khách lưu trú tại Đà Lạt. Bên cạnh đó, du lịch nội địa cũng đóng góp đáng kể với 6.337.300 lượt khách, tăng 4,8% so với năm 2022, hoàn thành 103% kế hoạch đề ra.
Đà Lạt, thành phố nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng, tọa lạc trên cao nguyên Lâm Viên với độ cao 1.500m so với mực nước biển.
Với lịch sử hơn 130 năm phát triển, Đà Lạt không chỉ được biết đến là một điểm du lịch hấp dẫn mà còn được gọi là "tiểu Paris" nhờ sở hữu hơn 1.300 biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp, đặc biệt là kiểu kiến trúc Bắc Pháp từ thời kỳ Pháp thuộc.