Không phải bây giờ, mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã từng báo động về nguy cơ Mỹ vỡ nợ từ đầu năm 2023, khi nước này chạm trần nợ công.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen một lần nữa nhấn mạnh về sự cấp bách của Mỹ trong việc nới trần nợ công. Vị quan chức cho rằng nước này khó có thể trụ đến giữa tháng 6 nếu Nhà Trắng và đảng Cộng hòa không đạt được thỏa thuận.
Phát biểu trong chương trình Gặp gỡ báo chí trên đài NBC, bà Yellen cho rằng, sẽ có những lựa chọn khó khăn trong việc chi trả cho người Mỹ nếu Quốc hội không nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD trước khi Kho bạc hết tiền.
Bộ trưởng Yellen cho biết: “Trong lá thư gửi Quốc hội lần trước, chúng tôi đã bày tỏ việc dự kiến không thể thanh toán hết các hóa đơn vào đầu tháng 6 và có thể là vào ngày 1/6.
Và tôi sẽ tiếp tục cập nhật cho Quốc hội, nhưng tôi chắc chắn không thay đổi nhận định của mình. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó là hạn chót”.
"Các khoản thu và chi thuế luôn không chắc chắn. Vì vậy, rất khó để đưa ra một dự đoán chính xác", bà Yellen khẳng định trong một chương trình của NBC hôm 21/5.
"Trong ngày 15/6, số tiền thuế được trả khá lớn. Nhưng một vụ vỡ nợ sẽ xảy ra vào đầu tháng 6, như tôi đã cảnh báo trước đây, và rất khó để chúng ta trụ đến giữa tháng", bà Yellen giải thích.
Mỹ: "Cuộc chiến" trần nợ công
Không phải bây giờ, mà bà Janet Yellen đã báo động về nguy cơ Mỹ vỡ nợ từ đầu năm 2023, khi nước này chạm trần nợ công.
Mỹ đã chạm mức trần nợ công 31.400 tỷ USD và có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ sớm nhất từ ngày 1/6 |
Theo đó, Mỹ đã chạm trần nợ 31.400 tỷ USD vào tháng 1 năm nay và Bộ Tài chính Mỹ buộc phải sử dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của Chính phủ.
Bà Janet Yellen cảnh báo, Chính phủ chỉ còn đủ tiền chi trả đến đầu tháng 6/2023. Trong khi đó, Ủy ban Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo, ngày này sẽ đến chậm nhất vào cuối tháng 7/2023.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Jerome Powell nhận định, nếu các bên không đạt được giải pháp cho lần khủng hoảng trần nợ này, thì thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chao đảo, người hưởng các khoản chi trả từ ngân sách liên bang không còn được nhận tiền, nhiều bộ phận của Chính phủ phải ngừng hoạt động và nền kinh tế Mỹ hứng chịu những tổn thất lâu dài.
Trong một báo cáo mới công bố, Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng đã chỉ ra những tác động tiêu cực mà kinh tế Mỹ sẽ phải gánh chịu trong trường hợp tránh được vỡ nợ, vỡ nợ ngắn hạn và vỡ nợ kéo dài.
Trong tình huống xấu nhất là vỡ nợ kéo dài, các chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng cho biết, khoảng 8,3 triệu người sẽ mất việc, GDP giảm 6,1% và thị trường chứng khoán “bốc hơi” gần một nửa giá trị. Tỷ lệ thất nghiệp trong trường hợp này sẽ tăng tới 5%.
Trần nợ công là mức tối đa số tiền mà Quốc hội cho phép Chính phủ Mỹ vay để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, từ trả bảo hiểm y tế đến trả lương cho quân đội.
Mỗi khi khối nợ của Chính phủ Mỹ đạt đến mức trần, việc tăng trần nợ công sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội, và cần phải đạt được sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện.