Mặc dù cách nhau chưa đầy 4km nhưng hai phần của hòn đảo này cách nhau 21 giờ về mặt thời gian.
Nơi nhìn thấy cả ‘hôm qua’ và ‘ngày mai’
Quần đảo Diomede hay còn được gọi là quần đảo Gvozdev (theo cách gọi của người Nga) nằm ở khu vực eo biển Bering thuộc Thái Bình Dương. Trung tâm của quần đảo này cách đất liền Alaska, lục địa Bắc Mỹ khoảng 42km, cách đất liền Siberia phần lãnh thổ châu Á của Liên Bang Nga khoảng 41.85km, nghĩa là nó cách đều tương đối hai bờ của hai châu lục này.
Quần đảo này chỉ có hai đảo là Big Diomede và Little Diomede. Đảo lớn nằm gần Nga hơn nên thuộc chủ quyền Nga còn đảo nhỏ gần lãnh thổ Mỹ nên thuộc về Mỹ. Khoảng cách gần nhất giữa hai hòn đảo là khoảng 3,8km.
Năm 1987, trong hiệp ước mua Alaska từ Nga của Mỹ có nêu rõ việc lấy hai hòn đảo này làm mốc để thiết lập "đường đổi ngày quốc tế", hay nhiều người còn thường đùa rằng đây là nơi giao thoa giữa quá khứ và tương lai.
Dựa trên những thông tin từ hiệp ước này, múi giờ giữa Nga và Mỹ sẽ chênh nhau 21 tiếng. Do đó, khi đi tàu thuyền đi qua đường đổi ngày thì phải chỉnh đồng hồ lên sớm 1 ngày và ngược lại. Bởi nếu ở đảo Little Diomede đang là 10 giờ sáng ngày hôm nay thì chỉ cần đi thuyền khoảng 600m sang phía bên kia thì đã là 7 giờ sáng ngày hôm sau.
Đây cũng chính là lý do khiến đảo Diomede Lớn còn có tên gọi là đảo Ngày Mai (Tomorrow Island), trong khi Diomede Nhỏ là đảo Hôm Qua (Yesterday Island).
Người châu Âu đầu tiên đặt chân lên quần đảo Diomede được cho là nhà thám hiểm người Nga Semyon Dezhnev vào năm 1648. Sau đó, chúng được Vitus Bering - một nhà hàng hải người Đan Mạch phát hiện lại vào năm 1728 và đặt tên cho quần đảo theo tên thánh Diomede tử đạo.
Cuộc sống tại Diomede
Cả Diomede Lớn và Diomede Nhỏ đều có địa hình dốc đứng bao bọc quanh là đại dương rộng lớn. Thời tiết nơi đây vô cùng khắc nghiệt khi quanh năm chỉ toàn sương mù, thậm chí vào mùa đông, mặt biển đóng băng. Đây chính là cơ hội để người dân có thể đi lại giữa Nga và Mỹ bằng đường bộ nhưng điều này được coi là bất hợp pháp tại đây.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Nga đã cho di dời toàn bộ người dân trên đảo Diomede vào đất liền và hòn đảo trở thành nơi đóng quân của quân đội. Đối với Diomede nhỏ hiện đang có khoảng gần 100 người Mỹ sinh sống tập trung thành một ngôi làng nhỏ làm nghề chạm khắc ngà.
Theo các cuộc điều tra, dân số trên đảo Diomede Nhỏ đỉnh điểm đạt 178 người vào năm 1980 với khoảng 92% người Mỹ bản địa, 6% người gia trắng và 1% người thuộc hai chủng tộc trở lên. Trong 43 hộ gia đình, hơn 37% là trẻ em dưới 18 tuổi, gần 21% các đôi sống cùng nhau, hơn 32% nhà vắng bóng đàn ông, trong khi 18,6% là người độc thân. Thu nhập người dân ở đây không cao, nhiều hộ gia đình được xếp vào dạng nghèo.
Các mặt hàng thiết yếu được vận chuyển đến Diomede Nhỏ bằng sà lan mỗi năm một lần. Bên cạnh đó còn có một chiếc trực thăng nhỏ chuyên làm nhiệt vụ vận chuyển thư từ, bưu phẩm, thực phẩm và hành khách đến và đi từ Diomede nhỏ.
Hiện nay, cuộc sống tại Diomede Nhỏ còn rất đơn giản khi không có cao tốc, không có đường nhựa, đường sắt hay các phương tiện giao thông hiện đại. Người dân tại đây chủ yếu di chuyển bằng cách đi bộ theo những con đường mòn hoặc dùng xe trượt tuyết hoặc ván trượt.
Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, khách du lịch có thể lựa chọn các chuyến bay thương mại theo mùa để đến thăm hòn đảo độc đáo này. Vì trên hòn đảo này không có bất kỳ nhà nghỉ hay khách sạn nào nên du khách cần lên kế hoạch cẩn thận và liên lạc trước với người dân địa phương.
>> Có gì ở quần đảo được coi là ‘tử huyệt của châu Âu’ mà ai cũng muốn kiểm soát nếu chiến tranh nổ ra?