Quốc gia châu Á gây xôn xao khi sở hữu những ngọn núi bí ẩn trông y hệt kim tự tháp Ai Cập

23-03-2024 09:11|Quỳnh Vân

Một đoạn phim được lan truyền trên mạng đã nhanh chóng làm dấy lên cuộc tranh luận về nguồn gốc và mục đích của kỳ quan nằm ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Nằm giữa khung cảnh tươi đẹp ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), một đoạn video quay bằng máy bay không người lái cho thấy một kỳ quan thiên nhiên mới. Đó là một dãy núi trông cực giống kim tự tháp Ai Cập.

Đoạn phim đã thu hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới và làm dấy lên một cuộc tranh cãi.

Một số người suy đoán rằng những ngọn núi ở huyện An Long ẩn chứa lăng mộ của các hoàng đế cổ đại trong khi những người khác tin rằng chúng được tạo ra bởi chính những sinh vật ngoài Trái đất được cho là đã xây dựng các kim tự tháp của Ai Cập.

Tuy nhiên, giáo sư Zhou Qiuwen, nhà địa chất học từ đại học Sư phạm Quý Châu, đã đưa ra lời giải thích khoa học phía sau sự hình thành của những ngọn núi đặc biệt trên trong một báo cáo vào cuối tuần trước.

Theo báo cáo, những “kim tự tháp” tự nhiên này không phải do con người xây dựng và cũng không phải là một khu lăng mộ cổ. Thay vào đó, chúng là minh chứng cho sự kỳ diệu của thiên nhiên.

Quốc gia châu Á gây xôn xao khi sở hữu những ngọn núi bí ẩn trông y hệt kim tự tháp Ai Cập
Những ngọn núi sắc cạnh ở huyện An Long, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc là kết quả của tạo hóa của thiên nhiên. Ảnh: weibo

SCMP cho biết, Quý Châu là một tỉnh ở phía Tây Nam Trung Quốc, nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên phong phú và cảnh quan đa dạng. Độ cao trung bình của tỉnh khoảng 1.100m với 92,5% diện tích bao gồm núi và đồi.

Khu vực này là nơi có nhiều dãy núi, với những đỉnh núi dựng đứng và các thung lũng sâu, trải dài khắp tỉnh.

Khung cảnh trong video là đặc trưng của địa hình karst, hình thành từ lớp đá cacbonat dễ bị hòa tan. Đây là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn.

Những ngọn núi hình nón là kết quả của quá trình phong hóa các khối đá. Sự xói mòn theo chiều dọc do nước gây ra khiến các khối đá trải rộng ban đầu bị phân chia thành từng tảng đơn lẻ.

Quốc gia châu Á gây xôn xao khi sở hữu những ngọn núi bí ẩn trông y hệt kim tự tháp Ai Cập
Trong video có thể thấy rõ bề mặt núi trông giống như những viên gạch xếp chồng lên nhau, được biết đây cũng là kết quả của quá trình xói mòn tự nhiên. Ảnh: Global Times

Khi quá trình xói mòn tiếp diễn, các tảng đá trên đỉnh sẽ bị hòa tan đáng kể, trong khi đá dưới chân núi ít bị ảnh hưởng hơn. Kết quả là ngọn núi có phần đỉnh nhọn sắc cạnh và phần chân rộng hơn.

Tương tự, hình dạng phân lớp của ngọn núi liên quan tới đặc điểm của đá.

Giáo sư tiết lộ: “Những ngọn núi ở Quý Châu được tạo thành từ đá dolomite có niên đại hơn 200 triệu năm tuổi, từ thời khu vực hầu như chìm trong nước. Loại đá này hình thành ở biển, khi khoáng chất hòa tan trong nước và kết tinh thành đá rắn”.

Do sự thay đổi định kỳ của khí hậu, cấu trúc địa chất và các yếu tố môi trường khác, quá trình hình thành đá nhiều lần bị gián đoạn và cứ bắt đầu lại. Điều này tạo ra những tảng đá có nhiều lớp rõ ràng, theo như ông Zhou phân tích.

Bên cạnh đó, một chuyên gia khác cho hay một số bề mặt đá ban đầu có vết nứt nhỏ. Nước xói mòn giữa khe nứt không đủ mạnh để hòa tan toàn bộ khối đá nhưng đủ để gây ra sự phân cắt, từ đó tạo ra hình dạng giống như hiện tại.

>> Những hình ảnh lột tả cuộc sống thường nhật ở Triều Tiên - đất nước bí ẩn nhất thế giới

Quốc gia châu Á bé hơn cả 1 tỉnh của Việt Nam nhưng vượt Mỹ, lọt top 5 giàu nhất thế giới, người dân 'sinh ra đã là đại gia'

Sốc với kim tự tháp gần như còn nguyên vẹn sau 1.500 năm: 'Trấn yểm' siêu núi lửa, xây bằng thứ vật liệu chết chóc từng đe dọa nền văn minh

Vượt mặt Ai Cập, Đông Nam Á có kim tự tháp ‘già’ nhất thế giới với niên đại 28.000 năm tuổi

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-gia-chau-a-gay-xon-xao-khi-so-huu-nhung-ngon-nui-bi-an-trong-y-het-kim-tu-thap-ai-cap-227448.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Quốc gia châu Á gây xôn xao khi sở hữu những ngọn núi bí ẩn trông y hệt kim tự tháp Ai Cập
POWERED BY ONECMS & INTECH