Quốc tế

Quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030

Quỳnh Vân 08/01/2024 16:37

S&P Global Ratings dự đoán Ấn Độ vẫn sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong những năm tới.

CNBC đưa tin, Ấn Độ đang dự báo tăng trưởng GDP của năm tài chính kết thúc vào tháng 3 sẽ là 7,3%, mức cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên toàn cầu.

Theo giới phân tích, tốc độ tăng trưởng vượt mức 7% năm thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh toàn cầu suy thoái sẽ giúp ông Narendra Modi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 chức Thủ tướng Ấn Độ, tiếp tục chèo lái nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.

Rahul Bajoria, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư Barclays, nhận định: “Sự tăng trưởng này diễn ra vào thời điểm điều kiện toàn cầu vẫn còn yếu, do đó công lớn thuộc về cách Chính phủ Ấn Độ quản lý nền kinh tế”.

S&P Global Ratings kỳ vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong 3 năm tới, đưa nước này đi đúng hướng để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030, vượt qua Nhật Bản và Đức.

Quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, đi đúng hướng để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030
Thủ tướng Narendra Modi trong buổi trình diễn đường bộ tại Rampath vào ngày 30/12/2023 ở Ayodhya, Ấn Độ. Ảnh: CNBC

Được biết, nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,2% trong năm tài khóa 2022/23 và 8,7% trong năm tài khóa 2021/22.

Theo Bloomberg, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nirmala Sitharaman sẽ trình bày ngân sách tạm thời cho năm tài khóa tiếp theo vào ngày 1/2. Dự kiến, Ấn Độ sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhờ nguồn thu thuế tăng và đặt mục tiêu giảm thâm hụt tài chính so với mức 5,9% GDP trong năm tài chính hiện tại.

Chi tiêu Chính phủ ước tính tăng khoảng 4% trong năm 2023/24 so với mức tăng 0,1% trong năm tài chính trước. Dữ liệu còn cho thấy đầu tư tư nhân sẽ tăng 10,3% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 11,4% của năm trước.

Ngoài ra, tiêu dùng tư nhân, chiếm gần 58% GDP, được dự báo tăng 4,4% so với mức 7,5% năm ngoái.

Mở rộng ngành sản xuất

Ông Modi đã tiến hành các biện pháp nhằm thu hút các công ty toàn cầu, trong đó có Apple và nhiều công ty Nhật Bản, thành lập nhà máy ở Ấn Độ. Thêm vào đó, ông cũng tăng chi tiêu xây dựng đường sá, bến cảng và sân bay.

Các dữ liệu chỉ ra ngành sản xuất, vốn chiếm khoảng 17% GDP, ước tính tăng trưởng 6,5% trong khi sản lượng xây dựng có khả năng tăng 10,7%.

Việc Ấn Độ công bố mức tăng trưởng kinh tế cao hơn dự kiến khiến nhiều nhà kinh tế tư nhân phải điều chỉnh lại dự báo hàng năm của họ.

Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế cảm thấy rằng sự tăng trưởng của Ấn Độ được đẩy mạnh chủ yếu bởi các lĩnh vực như công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính, vốn chỉ tạo ra một số việc làm hạn chế và không giúp đỡ nhiều cho người nghèo ở khu vực nông thôn.

Theo đó, tăng trưởng sản lượng nông nghiệp, đóng góp khoảng 15% GDP và chiếm hơn 40% lực lượng lao động, được dự báo sẽ chậm lại từ mức 4% xuống còn 1,8% trong năm tài chính hiện tại.

Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở quốc gia Nam Á với dân số hơn 1,4 tỷ người này vẫn ở mức khoảng 2.500 USD, chưa bằng 1/4 so với Trung Quốc.

>> Quốc gia châu Á được dự báo vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vốn hóa TTCK vượt 4.000 tỷ USD

American Tower bán công ty con ở Ấn Độ trong thương vụ trị giá 2,5 tỷ USD

Hải quân Ấn Độ giải cứu 21 thuyền viên trên tàu chở hàng bị cướp ngoài khơi Somalia

Bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng, quốc gia châu Á trở thành "mỏ vàng" mới

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-gia-chau-a-tang-truong-nhanh-nhat-toan-cau-di-dung-huong-de-tro-thanh-nen-kinh-te-lon-thu-3-the-gioi-vao-nam-2030-218944.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030
POWERED BY ONECMS & INTECH