Samsung ‘mắc kẹt’ với chip 2nm, buộc phải thuê đối thủ TSMC để gia công?
Đây là một đòn giáng mạnh vào tham vọng cạnh tranh của Samsung trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Samsung đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong việc phát triển vi xử lý Exynos 2600 trên tiến trình 2nm. Theo các báo cáo gần đây, tỷ lệ năng suất sản xuất của dòng chip này - tức số lượng chip khả dụng tạo ra từ một tấm wafer - chỉ đạt khoảng 10–20%, không khả thi cho sản xuất hàng loạt. Đây là một đòn giáng mạnh vào tham vọng cạnh tranh của Samsung trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Vấn đề năng suất thấp không phải là mới đối với Samsung Foundry. Trước đó, công ty cũng gặp rào cản tương tự khi sản xuất Exynos 2500 với tiến trình 3nm, dẫn đến năng suất dưới 20%. Những khó khăn này đã đặt ra câu hỏi lớn về khả năng duy trì chuỗi sản xuất nội bộ của Samsung và chiến lược dài hạn trong lĩnh vực chip tiên tiến.
Giới chuyên gia nhận định, nếu Samsung vẫn muốn tiếp tục dự án Exynos 2600, họ có thể buộc phải thuê đối thủ cạnh tranh là TSMC - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới - để gia công. Tuy nhiên, việc này có nguy cơ đội chi phí sản xuất lên cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của Samsung, vốn từ lâu phụ thuộc vào lợi thế từ chuỗi cung ứng nội bộ.
Nhà máy sản xuất bán dẫn của Samsung tại Texas, Mỹ, từng được kỳ vọng là cơ sở trọng điểm để chế tạo hàng loạt chip tiên tiến dưới 4nm. Tuy nhiên, với thách thức trong việc phát triển chip 2nm, công ty đang phải cắt giảm nhân sự tại cơ sở này, mặc dù đã có thỏa thuận sơ bộ với Chính phủ Mỹ về khoản trợ cấp gần 7 tỷ USD theo Đạo luật Chip. Thỏa thuận này yêu cầu nhà máy phải đi vào hoạt động, khiến Samsung đối diện thêm áp lực.
Trong khi đó, đối thủ TSMC đã đạt được những tiến bộ vượt bậc với nhà máy tại Arizona, Mỹ. Dây chuyền thử nghiệm tại đây cho kết quả khả quan tương đương với các nhà máy ở Đài Loan (Trung Quốc). TSMC còn dự kiến sẽ sản xuất chip 2nm thế hệ tiếp theo sử dụng công nghệ bóng bán dẫn nanosheet vào năm 2028, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn cho Samsung.
Nếu không thể giải quyết các vấn đề sản xuất, Samsung có thể phải hủy bỏ kế hoạch ra mắt Exynos 2600. Điều này có thể dẫn đến việc dòng Galaxy S25 và Galaxy S26 sử dụng hoàn toàn vi xử lý Snapdragon 8 Elite hoặc Dimensity 9400 từ các nhà cung cấp bên ngoài.
Samsung cũng đang tiến hành tái cấu trúc nhóm phát triển bộ xử lý ứng dụng (AP) để cải thiện năng lực sản xuất chip nội bộ. Tuy nhiên, quá trình này được cho là sẽ mất nhiều năm để hoàn thiện, làm giảm khả năng cạnh tranh của hãng trong ngắn hạn.
Theo Gizmochina, Techspot
>> Cổ phiếu Samsung tăng vọt sau tuyên bố chi hơn 7 tỷ USD mua lại cổ phiếu quỹ