Quốc gia có GDP bình quân đầu người kém xa Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế top 2 thế giới, tăng trưởng bền vững lên đến 8%
"Đây có vẻ là mùa cắt giảm lãi suất. Chính sách tiền tệ của chúng tôi sẽ được điều chỉnh. Nhưng chủ yếu nó sẽ được thay đổi dựa trên các điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước, lạm phát, sự tăng trưởng cùng với triển vọng”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das nói.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das cho biết tốc độ tăng trưởng dự kiến của nước này trong vài năm tới là 7,5%.
Bình luận của ông được đưa ra ngay sau khi báo cáo cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã chậm lại còn 6,7% trong quý II, giảm so với mức 8,2% khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này đã làm tăng thêm áp lực buộc Ngân hàng Trung ương phải sớm triển khai chu kỳ cắt giảm lãi suất của riêng mình.
Ông Das cho biết rất khó để nói rằng tăng trưởng lành mạnh sẽ ra sao đối với quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng mức tăng trưởng trong khoảng 7,5%-8% "có thể bền vững" trong trung hạn.
Ấn Độ trước đây đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mô tả là "nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới", trong khi Goldman Sachs cho biết Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075 - vượt qua Nhật Bản, Đức, Mỹ và chỉ sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đã chậm lại trong những quý gần đây và IMF đã cảnh báo vào tháng 7 rằng tăng trưởng kinh tế có khả năng xuống còn mức 6,5% vào năm 2025.
Điều này xảy ra khi các Ngân hàng Trung ương lớn bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng gần đây, bao gồm Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là cũng sẽ hạ lãi suất vào cuộc họp tuần này, gây thêm áp lực buộc Ấn Độ phải bắt đầu nới lỏng chính sách.
"Đây có vẻ là mùa cắt giảm lãi suất. Chính sách tiền tệ của chúng tôi sẽ được điều chỉnh. Nhưng chủ yếu nó sẽ được thay đổi dựa trên các điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước, lạm phát, sự tăng trưởng cùng với triển vọng”, ông Das nói.
“Chúng tôi sẽ xem xét những gì Fed làm, ECB làm hoặc những gì một số Ngân hàng Trung ương khác…đang tiến hành. Nhưng cuối cùng, quyết định của chúng tôi sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố trong nước”, ông cho biết thêm.
Người đứng đầu RBI nói việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ không ảnh hưởng đến Ấn Độ. “Chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi mức cắt giảm lãi suất của họ - dù là 0,25 điểm phần trăm hay 0,5 điểm phần trăm cũng như số lần cắt giảm”, ông Das nhấn mạnh.
Khi được hỏi liệu Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của RBI có tích cực xem xét phương án cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 10 hay không, ông Das trả lời: “Không, tôi không nói về điều này”.
“Chúng tôi sẽ thảo luận nhưng xét về động lực tăng trưởng và lạm phát, tôi muốn nói hai điều. Một là, động lực tăng trưởng vẫn tiếp tục tốt. Còn về triển vọng lạm phát, chúng tôi phải xem xét động lực từng tháng. Dựa trên điều đó, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định”.
Ngoài ra, theo dữ liệu của World Bank, năm ngoái, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ đạt 2.484 USD, thấp hơn GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.346 USD.