Quốc gia ‘cuồng công việc’ thúc đẩy tuần làm việc 4 ngày
Nhật Bản đang nỗ lực khuyến khích các công ty áp dụng tuần làm việc 4 ngày, nhưng điều này gặp phải nhiều thách thức lớn trong một quốc gia nổi tiếng với văn hóa nghiện công việc.
Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã khởi xướng chiến dịch "cải cách phong cách làm việc", nhằm thúc đẩy các hình thức làm việc linh hoạt, giảm giờ làm và giới hạn giờ làm thêm. Bộ Lao động đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp bằng các khoản trợ cấp và dịch vụ tư vấn miễn phí.
Đây là một bước tiến đáng kể so với tuyên bố ủng hộ tuần làm việc ngắn hơn vào năm 2021. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do văn hóa làm việc lâu đời và áp lực xã hội.
“Nguyên nhân khiến người Nhật làm việc nhiều giờ là do văn hóa và xã hội, những điều này không thể thay đổi nhanh chóng”, Tim Craig, người từng giảng dạy và nghiên cứu tại các trường kinh doanh hàng đầu ở Nhật Bản trong hơn 20 năm, nhận định.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chỉ khoảng 8% doanh nghiệp tại nước này cho phép nhân viên nghỉ từ 3 ngày trở lên mỗi tuần. Craig, người cũng đã viết một cuốn sách về văn hóa truyền thống và hiện đại Nhật Bản, giải thích rằng người Nhật coi công việc là một phần tích cực của cuộc sống, nhưng áp lực xã hội cũng đóng vai trò quan trọng.
“Nếu họ về sớm, đồng nghiệp sẽ nhìn họ với ánh mắt không thiện cảm và có thể phải làm thêm để bù đắp công việc. Dù thế nào đi nữa, đó cũng không phải là cảm giác dễ chịu", Craig nói rõ.
Theo Martin Schulz, nhà kinh tế trưởng tại Fujitsu, nơi làm việc ở Nhật Bản cũng là nơi mà nhiều người có các mối quan hệ xã hội chính. Nhân viên thường ở lại lâu hơn để giúp đỡ đồng đội và tham dự những bữa tiệc công ty kéo dài. “Việc trở thành một phần của công ty gần như là một phần của cộng đồng, điều này thường dẫn đến giờ làm việc kéo dài, nhưng không hiệu quả”, Schulz chia sẻ.
Năm 2022, Nhật Bản ghi nhận 2.968 ca tử vong do làm việc quá sức (karoshi), tăng đáng kể so với năm 2021. Con số này càng làm rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa giờ làm việc quá dài và các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, theo báo cáo hàng năm của Bộ Y tế Nhật Bản công bố vào tháng 10 năm ngoái.
Khi được hỏi về triển vọng áp dụng tuần làm việc 4 ngày tại Nhật Bản, Giáo sư nhân sự Hiroshi Ono từ Đại học Hitotsubashi cho rằng: "Chúng tôi chưa quen với sự linh hoạt, vì vậy việc chuyển đổi sang tuần làm việc 4 ngày sẽ mất một thời gian nhất định".
Ông Ono nhấn mạnh rằng việc áp dụng tuần làm việc 4 ngày tại Nhật Bản vẫn còn nhiều thách thức. Ngay cả ở các quốc gia khác, mô hình này cũng chưa phổ biến rộng rãi. Hơn nữa, những doanh nghiệp tiên phong áp dụng thường là các công ty có văn hóa làm việc hiện đại như Microsoft. Ông cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản truyền thống, với những cấu trúc và văn hóa lâu đời, sẽ cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với xu hướng mới này.
Mặc dù Panasonic, một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản, đã triển khai chính sách tuần làm việc 4 ngày từ năm 2022 và SMBC cũng cung cấp lựa chọn tương tự cho nhân viên trên 40 tuổi từ năm 2020, tỷ lệ tham gia vẫn còn khá khiêm tốn. Chỉ khoảng 150 trong số 63.000 nhân viên đủ điều kiện của Panasonic đã chọn hình thức làm việc này. Tuy nhiên, sáng kiến này không hoàn toàn vô nghĩa.
Theo chuyên gia Schulz, sự linh hoạt trong công việc chắc chắn mang lại lợi ích. Chính phủ Nhật Bản đã có những động thái thúc đẩy doanh nghiệp cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời hạn chế giờ làm thêm.
Ngoài Nhật Bản, khái niệm karoshi cũng đang trở thành vấn đề toàn cầu. Năm 2019, Thụy Điển ghi nhận hơn 770 trường hợp tử vong liên quan đến căng thẳng công việc, cho thấy đây là một vấn đề vượt qua biên giới quốc gia. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở Nhật Bản là có hệ thống thu thập dữ liệu chính thức về karoshi, như ông Ono đã nhấn mạnh.
Theo CNBC
>> Tiêm kích Nhật Bản dùng mồi bẫy nhiệt chặn máy bay Nga xâm nhập không phận
Lý do Nhật Bản trả 100 triệu/tháng cho giáo viên nhưng tiếng Anh vẫn ở ‘trình độ thấp’
Quốc gia châu Á được ‘gã khổng lồ’ Nhật Bản đầu tư 700 triệu USD vào thị trường năng lượng tái tạo