Quỹ đất nền Quảng Ninh ngày càng khan hiếm, liệu có 'vùng trũng giá'?
Với việc có thêm thành phố thứ 5, mức độ quan tâm tới BĐS trên địa bàn tỉnh này tăng nhanh chóng dẫn đến giá đất, nhà ở có xu hướng tăng vọt, quỹ đất ngày càng trở nên khan hiếm.
Giá BĐS tăng vọt
Việc thành lập TP. Đông Triều phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, theo định hướng tới năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bất động sản đổ bộ về khu vực này.
Theo đó, sau khi thông tin Quảng Ninh chính thức có 5 thành phố được công bố, mức độ quan tâm tới bất động sản (BĐS) tại Quảng Ninh tăng mạnh.
Giá BĐS tại Quảng Ninh hiện đang có xu hướng tăng vọt. Ảnh: Internet |
Điều này đã dẫn đến việc giá BĐS có xu hướng tăng vọt: chung cư tăng 7%, đất thổ cư tăng 10%, đất dự án tăng 11%, biệt thự tăng 13% và nhà riêng tăng 15%.
Trên thị trường cho thuê, BĐS tại Quảng Ninh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng về mức độ quan tâm. So với 6 tháng đầu năm 2024, chung cư tăng 18%, nhà trọ tăng 31%, biệt thự tăng 26% và nhà riêng tăng 60%.
Quỹ đất nền Quảng Ninh ngày càng khan hiếm, liệu có "vùng trũng giá"?
Thị trường BĐS tại Quảng Ninh đang bắt đầu dịch chuyển theo xu hướng mới. Quỹ đất tại các khu vực ven biển như Hạ Long và Cẩm Phả đã được quy hoạch cho các dự án lớn, nhưng mức giá ở phân khúc này khá cao, khiến các nhà đầu tư có vốn mỏng gặp khó khăn khi tham gia vào thị trường.
Thay vì đầu tư vào phân khúc du lịch và nghỉ dưỡng, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang các dự án khu đô thị và khu dân cư với mục tiêu mua để ở lâu dài, đồng thời làm kênh trú ẩn dòng tiền.
Động thái này khiến đất nền tại trung tâm các thành phố, đặc biệt là Uông Bí, ngày càng trở nên đắt giá do sự khan hiếm nguồn cung.
Xu hướng này thể hiện rõ tại thị trường BĐS Uông Bí, nơi đã chứng kiến sự bùng nổ về giá cả và nhu cầu giao dịch.
Giá đất tại một số khu vực đã tăng từ 10% đến 20%, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư từ nhiều nơi. Đặc biệt, các dự án dọc tuyến Quốc lộ 18 đang trở thành "điểm nóng" với sự gia tăng mạnh mẽ cả về giá trị lẫn nhu cầu sở hữu.
Thị trường BĐS tại Quảng Ninh hiện đang chuyển dịch theo xu hướng mới. Ảnh: Internet |
Ngoài ra, nếu trước đây vị trí, tiện ích và giá bán là điều kiện "cần", thì hiện nay, pháp lý đã trở thành yếu tố tiên quyết, "tấm vé thông hành" giúp khách hàng và nhà đầu tư yên tâm giao dịch. Các nhà đầu tư đất nền không chỉ tìm kiếm những sản phẩm có giá tốt mà còn đòi hỏi phải có pháp lý rõ ràng và quy hoạch bài bản.
Dưới con mắt của các nhà đầu tư, đây là tài sản có tiềm năng sinh lời bền vững, có thể vừa sử dụng vừa khai thác kinh doanh. Điều này làm cho BĐS tại Uông Bí, vốn đã hiếm, nay càng trở nên khan hiếm hơn.
Mặc dù giá đất tại Uông Bí đang có xu hướng tăng dần, thị trường nơi đây vẫn được xem là hợp lý hơn so với các khu vực khác trong tỉnh như Hạ Long, Cẩm Phả, hay Móng Cái.
Điều này vô tình biến Uông Bí trở thành một "vùng trũng" giá BĐS, do giá đất còn tương đối rẻ và tiềm năng sinh lời cao, thu hút lượng lớn nhà đầu tư nhanh nhạy đổ về khu vực này.
Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống đô thị, hướng tới việc trở thành đô thị hiện đại, sinh thái và văn minh.
Việc thông qua Chương trình phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2030 là điều kiện tiên quyết để quy hoạch và xây dựng Quảng Ninh thành TP trực thuộc Trung ương trước năm 2030; điều này không chỉ nâng cao mức thu nhập cho người dân mà còn góp phần vào sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Theo nội dung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng. Trong đó, khu vực đô thị sẽ không hình thành các quận mà thay vào đó, sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được kết nối bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như giao thông công cộng đô thị và hạ tầng thông tin truyền thông. Các thành phố trong vùng nội thị bao gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn và Móng Cái (huyện Hải Hà hợp nhất với TP. Móng Cái). Như vậy, tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam sẽ quy hoạch theo mô hình riêng biệt khi trở thành TP trực thuộc Trung ương duy nhất trên cả nước không có quận nào trực thuộc. |