Quỹ phi lợi nhuận của ông Phạm Nhật Vượng chi 900 tỷ cho cộng đồng khoa học trong 6 năm, trợ lực cho hơn 3.500 nhà khoa học, 124 dự án và hơn 80 sáng chế
Quỹ còn tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ tiếp cận môi trường học thuật tiên tiến, hướng tới những công trình khoa học có giá trị cao.
Chiều ngày 20/12, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VinIF) đã chính thức công bố các chương trình tài trợ năm 2024. Theo đó, tổng số tiền VinIF tài trợ phi lợi nhuận cho cộng đồng khoa học lên hơn 900 tỷ đồng trong 6 năm qua.
Riêng năm 2024, với sự đồng hành của Hội đồng chuyên gia, Quỹ xét chọn tài trợ 7 dự án khoa học công nghệ, 7 dự án và sự kiện văn hóa, lịch sử.
Nhiều dự án công nghệ cao được tài trợ lần này như Dự án phát triển thiết bị tự hành dưới nước AUV sử dụng công nghệ SONAR cho quan trắc ngầm và đo đạc các tham số môi trường biển (Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội); Dự án Thiết kế chip AI dựa trên cấu trúc mạng Spiking Neural Network và vi xử lý RISC-V đa lõi kết hợp mạng trên chip (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. HCM)...
Bên cạnh đó, các sự kiện văn hóa lịch sử cũng nhận được sự tài trợ như Hội thảo Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Tầm vóc thời đại và giá trị di sản Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Chương trình "Chuyển đổi số tại Bảo tàng Không gian Văn Hóa Mường" (Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường)...
Năm nay, VinIF tiếp tục tài trợ 200 học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, 60 học bổng sau tiến sĩ, cùng 38 hội nghị, hội thảo và bài giảng đại chúng. Qua đó, Quỹ không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ tiếp cận môi trường học thuật tiên tiến, hướng tới những công trình khoa học có giá trị cao.
Như vậy, sau 6 năm đồng hành cùng cộng đồng khoa học Việt Nam, VinIF đã và đang trợ lực cho hơn 3.500 nhà khoa học, cấp kinh phí cho 124 dự án, tạo ra hơn 80 sáng chế trong nước và quốc tế. Nhờ đó, 11 dự án đã được thương mại hóa sản phẩm công nghệ, 17 dự án thành lập được các startup có doanh thu triệu USD.
Về đào tạo, tính đến hết năm 2024, VinIF đã tài trợ 748 học bổng thạc sĩ, 787 học bổng tiến sĩ và 240 học bổng sau tiến sĩ. Những nhà khoa học này đã tạo ra 1.500 công trình công bố trên các tạp chí và hội thảo uy tín quốc tế.
Trong số các nhà khoa học nhận tài trợ từ VinIF, nhiều gương mặt xuất sắc đã được ghi nhận ở tầm quốc gia, quốc tế. Trong số 30 ứng cử viên giành giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng trong ba năm qua có 10 ứng viên nhận tài trợ của VinIF.
Hàng chục ứng viên xuất sắc khác cũng được vinh danh là gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Việt Nam, có tên trong danh sách Forbes under 30, Top các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới.
Không chỉ tập trung vào khoa học, VinIF còn mở rộng hỗ trợ sang lĩnh vực văn hóa thông qua chương trình "Lưu giữ các giá trị Văn hóa Lịch sử" được khởi động từ năm 2021. Chương trình này nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa Việt và hỗ trợ các nhà nghiên cứu văn hóa thực hiện các dự án ý nghĩa.
Theo Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học của VinIF, mục tiêu của Quỹ không chỉ là tài trợ tài chính mà còn là xây dựng một thế hệ nhà khoa học trẻ đầy năng lực, sáng tạo, chính trực và trách nhiệm với xã hội.
“Mong muốn lớn nhất của Quỹ là góp phần thay đổi tư duy tích cực, kiến tạo nên một văn hóa, tác phong hoạt động khoa học và nghiên cứu mới trong nước. Chúng tôi hy vọng VinIF ngày càng lan tỏa những ảnh hưởng tích cực để tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ hơn. Trong đó, vai trò của chính các nhà khoa học cũng rất quan trọng trong việc tạo nên nhận thức đúng đắn về vai trò của khoa học và nghiên cứu khoa học. Quỹ VinIF sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng khoa học Việt Nam trên con đường thay đổi tư duy và thực hiện trách nhiệm xã hội”, Giám đốc khoa học của VinIF nhấn mạnh.