Ra đường không mang theo căn cước, căn cước công dân sẽ bị phạt tiền?
Căn cước, căn cước công dân là những giấy tờ tùy thân quan trọng thể hiện thông tin cá nhân. Khi cơ quan chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ, người dân sẽ chứng minh bản thân bằng thẻ căn cước hoặc căn cước công dân.
Theo quy định tại Điều 10, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.
Mới đây, Bộ Công an đã hoàn thiện dự thảo đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các hành vi sau:
- Không xuất trình thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử
- Không nộp lại thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
Người dân đặc biệt lưu ý, chứng minh nhân dân sẽ chính thức bị khai tử từ ngày 1/1/2025, kể cả trên thẻ vẫn còn thời hạn. Vì vậy, người dân cần đi sớm đi làm căn cước để đảm bảo có đủ giấy tờ tùy thân để không bị xử phạt.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Từ ngày 1/7, Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực. Trong trường hợp công dân được cấp căn cước công dân trước ngày 1/7/2024 sẽ vẫn có giá trị sử dụng theo thời gian ghi trên thẻ.
Tuy nhiên, trong trường hợp công dân muốn thực hiện đổi từ căn cước công dân sang căn cước dù chưa hết hạn, lực lượng chức năng vẫn sẽ tiếp nhận hồ sơ để cấp căn cước mới cho công dân.
Khi đó, người dân chỉ cần mang thẻ căn cước công dân cũ đến cơ quan để được làm thủ tục đăng ký cấp thẻ căn cước mới. Về trình tự, sẽ được thực hiện tương tự thủ tục cấp thẻ căn cước cho công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp thẻ căn cước hoặc căn cước công dân và công dân đã có căn cước công dân nhưng hết hạn sử dụng.
Người yêu cầu cấp thẻ căn cước sẽ được trả thẻ theo địa điểm ghi trên giấy hẹn. Trong trường hợp yêu cầu cấp thẻ tại địa điểm khác, cơ quan quản lý căn cước sẽ trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu và người dân sẽ phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Việc đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước được cho là phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo tiền đề hội nhập cho công dân Việt Nam bởi nhiều quốc gia trên thế giới đều đang sử dụng thẻ căn cước.
Ngoài ra, việc đổi tên thành thẻ Căn cước cũng có sự bao quát hơn về đối tượng và phạm vi điều chỉnh. Thẻ Căn cước sẽ được áp dụng không chỉ đối với công dân Việt Nam mà còn sử dụng cho công dân gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam hoặc những người chưa xác định được quốc tịch.
Bên cạnh đó, thẻ Căn cước ngoài thông tin cá nhân còn được tích hợp thêm thông tin về người thân như cha, mẹ, vợ, chồng,... trong mã QR của thẻ.
Đổi đời nhờ sầu riêng, người dân một huyện mua hơn 2.000 ô tô chỉ trong 10 tháng
Người dân Hà Nội sắp được khám sức khỏe miễn phí mỗi năm một lần