Thế giới

'Mùa đông AI': Chủ nhân Nobel Kinh tế 2024 cảnh báo thế giới sẽ lãng phí nhiều tỷ USD, chỉ 5% công việc có thể bị AI thay thế

Vũ Bấc 15/10/2024 12:15

Giáo sư Daron Acemoglu, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2024, cảnh báo sự kỳ vọng thái quá vào AI có thể gây lãng phí đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa trao giải Nobel Kinh tế 2024 cho ba nhà kinh tế Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson. Công trình đoạt giải của các học giả kinh tế nghiên cứu về cách thức các thể chế hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của các quốc gia, từ đó giải thích nguyên nhân khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia.

Đáng chú ý, trước đó 10 ngày, nhà kinh tế nổi tiếng nhất trong số bộ 3 trên: giáo sư Daron Acemoglu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã có một bài phỏng vấn sâu sắc về tương lai của AI trong nền kinh tế.

'Mùa đông AI': Chủ nhân Nobel Kinh tế 2024 cảnh báo thế giới sẽ lãng phí nhiều tỷ USD, chỉ 5% công việc có thể bị AI thay thế - ảnh 1
Nhà kinh tế học Daron Acemoglu, 1 trong 3 chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2024

GS. Daron Acemoglu, một trong những tiếng nói có uy tín trong giới kinh tế, nổi tiếng với công chúng khi đồng tác giả cuốn sách "Why Nations Fail" (Tại sao các quốc gia thất bại) luôn trong danh sách Best-seller của tờ New York Times.

Ngoài ra, chủ nhân giải Nobel kinh tế 2024 đã nghiên cứu sâu về tác động của AI và các công nghệ mới đối với nền kinh tế trong nhiều năm qua. Quan điểm của ông gây chú ý khi trái ngược với sự phấn khích đang lan rộng trong giới đầu tư và công nghệ.

Giáo sư Acemoglu khẳng định: "AI sẽ không mang tới một cuộc cách mạng kinh tế". Ông dự đoán chỉ khoảng 5% công việc có thể bị AI thay thế hoặc hỗ trợ đáng kể trong thập kỷ tới. Mặc dù không quá bi quan, Acemoglu cảnh báo về nguy cơ lãng phí đầu tư khi các công ty đổ hàng tỷ USD vào làn sóng công nghệ này với kỳ vọng tăng năng suất đột biến.

"Rất nhiều tiền sẽ bị lãng phí", Acemoglu nhấn mạnh. "Bạn sẽ không có được một cuộc cách mạng kinh tế từ 5% đó".

Quan điểm của Acemoglu trái ngược với dự đoán lạc quan của nhiều chuyên gia công nghệ. Chẳng hạn, CEO Jensen Huang của Nvidia dự báo chi tiêu lên tới 1 nghìn tỷ USD để nâng cấp trung tâm dữ liệu trong những năm tới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ AI.

Mặc dù có một số tiếng nói có uy tín bày tỏ hoài nghi về AI khi mà ở các công ty công nghệ lớn như Microsoft và Amazon chi phí tăng nhanh hơn doanh thu, đa số nhà đầu tư trên thị trường vẫn sẵn sàng trả mức chênh lệch rất cao cho cổ phiếu của các công ty đi đầu về AI.

Ba kịch bản cho AI

Trong cuộc phỏng vấn, Acemoglu đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra với AI.

Đầu tiên là một viễn cảnh "vô hại nhất" khi làn sóng đầu tư vào AI dịu lại, và các doanh nghiệp dần chuyển sang những ứng dụng AI có giá trị thiết thực hơn, với chi phí hợp lý. "Các khoản đầu tư vào AI sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả trong những ứng dụng nhỏ, cụ thể và có kiểm soát," ông nhận định.

Kịch bản thứ hai, Acemoglu gọi đó là "Mùa đông AI", sẽ xảy ra khi làn sóng AI tiếp tục kéo dài thêm khoảng một năm nữa trước khi sụp đổ. Khi đó, cổ phiếu công nghệ rớt giá mạnh, kéo theo làn sóng thất vọng trong giới đầu tư và công nghệ, làm mất niềm tin vào AI. Điều này có thể khiến nhiều người, từ nhà đầu tư đến sinh viên, vỡ mộng và quay lưng với công nghệ sau khi nhận ra AI không mang lại lợi nhuận kỳ vọng.

Kịch bản thứ ba – theo Acemoglu – là viễn cảnh "đáng lo ngại nhất," khi sự phấn khích về AI không ngừng gia tăng và các công ty đổ dồn hàng tỷ USD đầu tư mà không có kế hoạch rõ ràng về mục đích hoặc cách thức sử dụng AI.

Tình trạng này có thể dẫn đến việc cắt giảm hàng loạt lao động để tập trung nguồn lực cho AI, nhưng sau đó, các doanh nghiệp lại phải vật lộn để tìm cách tuyển dụng trở lại khi AI không đáp ứng được kỳ vọng. "Đây có thể là một hệ quả tồi tệ và lan rộng trên toàn bộ nền kinh tế," ông cảnh báo.

'Mùa đông AI': Chủ nhân Nobel Kinh tế 2024 cảnh báo thế giới sẽ lãng phí nhiều tỷ USD, chỉ 5% công việc có thể bị AI thay thế - ảnh 2
Lợi ích của AI là không thể phủ nhận nhưng sự kỳ vọng thái quá của các nhà đầu tư vào lợi nhuận ngắn hạn từ AI là điều mà GS. Acemoglu và nhiều chuyên gia khác cảnh báo

Khi được hỏi về kịch bản nào có khả năng xảy ra nhất, GS. Acemoglu cho rằng viễn cảnh cao nhất sẽ là sự kết hợp giữa kịch bản thứ hai và thứ ba. “Trong các phòng ban cấp cao, nỗi lo bỏ lỡ cơ hội bùng nổ AI đang trở nên quá lớn để có thể hy vọng vào một sự chậm lại. Khi sự cường điệu tiếp tục tăng lên, rất khó để nghĩ rằng sự sụp đổ sẽ diễn ra nhẹ nhàng," ông nói.

Chi phí khổng lồ trong cuộc đua AI

Dữ liệu quý II năm nay minh chứng cho quy mô khổng lồ của làn sóng đầu tư vào AI. Bốn công ty công nghệ hàng đầu – Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon và Meta Platforms – đã đổ hơn 50 tỷ USD vào chi tiêu vốn chỉ trong một quý, phần lớn trong đó được rót vào phát triển AI.

Acemoglu nhấn mạnh rằng các mô hình ngôn ngữ lớn hiện nay, như ChatGPT của OpenAI, tuy đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn còn hạn chế trong việc thay thế con người trong nhiều lĩnh vực công việc.

Ông cho rằng độ tin cậy và khả năng phán đoán – điều mà con người có – vẫn là yếu tố then chốt khiến AI chưa thể đảm nhận nhiều vai trò. “AI có thể thay thế con người trong một số công việc nhất định, chẳng hạn như mã hóa dưới sự giám sát của con người, nhưng chưa thể hoàn toàn tự động hóa các công việc văn phòng hay các nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi sự phán đoán,” ông nhận định.

Các công nghệ AI hiện tại không thể hoàn toàn thay thế con người ở các công việc lao động chân tay, như xây dựng hay vệ sinh, nơi yêu cầu khả năng linh hoạt và phán đoán tình huống nhanh chóng. “Những nơi yêu cầu thông tin có độ tin cậy cao hoặc thực hiện công việc với các bước cụ thể thì AI có thể đóng vai trò hỗ trợ, nhưng chỉ dưới sự giám sát của con người", ông phân tích.

Giáo sư Acemoglu nhìn nhận AI như một lời cảnh tỉnh thực tế về giới hạn của công nghệ trong thời điểm hiện tại. “Công nghệ AI vẫn cần được cải thiện đáng kể trước khi có thể trở thành công cụ hiệu quả trong hầu hết các lĩnh vực”, ông kết luận. Đây là lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, và cả xã hội rằng AI, dù có tiềm năng, vẫn còn xa để có thể đạt được kỳ vọng trong ngắn hạn.

Theo BNN, New York Times

>> Chủ nhân Nobel Kinh tế Paul Krugman: ‘Thế giới sẽ không chấp nhận mọi thứ Trung Quốc muốn xuất khẩu’

Ai sẽ nắm quyền kiểm soát AI: Mỹ hay Trung Quốc?

AMD ra chip AI mới: Có tiến bộ nhưng chưa đủ, bị chê vẫn ‘muộn một bước’ so với Nvidia

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/mua-dong-ai-chu-nhan-nobel-kinh-te-2024-canh-bao-the-gioi-se-lang-phi-nhieu-ty-usd-chi-5-cong-viec-co-the-bi-ai-thay-the-128240.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
'Mùa đông AI': Chủ nhân Nobel Kinh tế 2024 cảnh báo thế giới sẽ lãng phí nhiều tỷ USD, chỉ 5% công việc có thể bị AI thay thế
POWERED BY ONECMS & INTECH