Sân bay Long Thành hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam có tiến triển mới
Cục Hàng không Việt Nam ủng hộ đề xuất của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam về việc thành lập Ban chỉ đạo chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc thành lập Ban chỉ đạo chuẩn bị khai thác Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam hoàn toàn ủng hộ đề xuất từ Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) về việc thành lập Ban chỉ đạo và các tổ nghiệp vụ liên quan, nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện khai thác, đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan và đơn vị khi đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào hoạt động.
Nhà ga hành khách sân bay Long Thành đã dần lộ rõ hình hài. Ảnh: TTXVN |
Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị ACV tổ chức lấy ý kiến từ các cơ quan, đơn vị liên quan để lựa chọn nhân sự tham gia Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế làm việc, và rà soát, kiện toàn bộ máy nhân sự nhằm đảm bảo đội ngũ có đủ năng lực và kinh nghiệm cần thiết theo đúng quy định pháp luật để triển khai các hợp phần của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
>> Sân bay Tuy Hòa được quy hoạch tăng công suất lên gấp gần 10 lần
Theo báo cáo từ ACV, hiện tiến độ của các gói thầu chính như nhà ga, đường cất hạ cánh, và đường T1-T2 đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, gói thầu liên quan đến đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ đã vượt tiến độ hơn 2 tháng, với dự kiến đưa vào khai thác từ ngày 30/4/2025.
Gói thầu xây dựng nhà ga hành khách cũng đã hoàn thành phần thô và đang tiến hành lắp đặt kết cấu thép mái, dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ ngày 30/8/2026.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành sau khi hoàn thiện. Ảnh minh họa |
Chiều ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình trước Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét điều chỉnh quy mô và thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án, theo khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 và khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 95/2019/QH14.
Giai đoạn 1 sẽ bao gồm việc xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc, một nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đồng bộ, với công suất dự kiến đạt 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất vào cuối năm 2026.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt thẩm tra và bày tỏ sự nhất trí của Ủy ban Kinh tế về việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 của sân bay Long Thành.
Theo Ủy ban, việc điều chỉnh để phân kỳ đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3 từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 1 sẽ đảm bảo tính đồng bộ với tiến độ khai thác của giai đoạn 1, đáp ứng nhu cầu vận hành liên tục của sân bay khi một đường cất hạ cánh có sự cố và nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án.
Dự án sân bay Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 triển khai từ 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.