Sân bay quốc tế gần 30.000 tỷ tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sẽ có tuyến đường kết nối hơn 71.000 tỷ: Nhanh thẳng, đẹp nhất đến Thủ đô Hà Nội
Dự kiến tuyến đường có chiều dài 35,43km và có tổng vốn đầu tư 71.150 tỷ đồng kết nối sân bay tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam đến Thủ đô của cả nước.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội đã có công văn số 1638/UBND – ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư đối với tuyến đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Gia Bình với Thủ đô Hà Nội.
Theo như nội dung công văn, tuyến đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Gia Bình với Thủ đô Hà Nội có điểm đầu từ Cảng hàng không quốc tế Gia Bình đến điểm cuối là nút giao tại tuyến đường kết nối đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Vành đai 3 TP. Hà Nội, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,45km.
Dự kiến tuyến đường được chia làm 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần đầu tư công giải phóng mặt bằng và dự án xây dựng tuyến đường theo phương thức BT.
Trong đó, đoạn tuyến từ Cảng hàng không quốc tế Gia Bình đến cầu Kênh Vàng đi Hải Dương sẽ thực hiện theo 1 dự án đầu tư riêng của tỉnh Bắc Ninh.
Đối với đoạn tuyến trên địa bàn TP. Hà Nội, tuyến đường có chiều dài 14km, chiều rộng mặt cắt ngang 120m, trong đó đoạn từ ranh giới Bắc Ninh - Hà Nội đến nút giao giữa Vành đai 3 của TP. Hà Nội với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn dài 7km sẽ thực hiện xây mới.

Đoạn tuyến từ nút giao Vành đai 3 (TP. Hà Nội) với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đến nút giao tuyến kết nối đường dẫn cầu Tứ Liên với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (trùng với Vành đai 3) dài 7km, sẽ được nâng cấp từ mặt cắt ngang 35m lên 120m.
Tổng mức đầu tư cho đoạn 14km thuộc địa phận Hà Nội dự kiến đạt 42.451 tỷ đồng, gồm 8.115 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng và 34.336 tỷ đồng cho xây dựng, tư vấn cùng các chi phí khác.
Tại tỉnh Bắc Ninh, đoạn tuyến dài 21,43km (từ Cảng hàng không quốc tế Gia Bình đến ranh giới Bắc Ninh - Hà Nội) sẽ được xây dựng mới với mặt cắt ngang 120m. Chi phí đầu tư ước tính 28.699 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng chiếm 7.199 tỷ đồng, phần còn lại dành cho xây dựng và các chi phí khác.
Việc giải phóng mặt bằng tại Bắc Ninh sẽ được thực hiện theo đúng quy mô mặt cắt nền đường 120m, không mở rộng thêm ra 300– 400m hai bên.
Theo Công văn số 1638/UBND-ĐT, UBND TP. Hà Nội đề xuất phân chia thành hai dự án thành phần:
Dự án thành phần 1: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng trên địa bàn Hà Nội, trong phạm vi ranh giới 120m. Dự án sử dụng vốn đầu tư công với tổng kinh phí khoảng 8.115 tỷ đồng, hoàn toàn do ngân sách TP. Hà Nội chi trả và không tính vào giá trị Hợp đồng BT của Dự án thành phần 2.

Dự án thành phần 2: Xây dựng tuyến đường kết nối từ nút giao với đường dẫn cầu Tứ Liên tới Cảng hàng không quốc tế Gia Bình, thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).
Dự kiến tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 2 là 55.866 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng 7.199 tỷ đồng trên địa bàn Bắc Ninh.
Liên quan đến quỹ đất thanh toán cho Dự án thành phần 2, UBND TP. Hà Nội đề xuất ưu tiên sử dụng quỹ đất dọc hai bên tuyến hoặc các khu đất khác phù hợp với quy hoạch tại Hà Nội và Bắc Ninh. Nguyên tắc phân bổ: Đất ở địa phương nào sẽ thanh toán tương ứng với phần giá trị thực hiện tại địa phương đó.
Đồng thời, UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị hai bên tuyến đường (chiều rộng mỗi bên khoảng 300 - 400m) nhằm chuẩn bị quỹ đất đối ứng cho dự án BT.
Hợp đồng BT sẽ được ký kết ba bên: UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh và nhà đầu tư được lựa chọn (thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Việc ký kết sẽ thực hiện sau ngày 1/7/2025, khi hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất có hiệu lực và nghị định hướng dẫn chi tiết của Chính phủ về PPP chính thức ban hành.
Sân bay Gia Bình được xây dựng với diện tích dự kiến khoảng 363,5ha. Thời kỳ 2021 - 2030, ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 17.682 tỷ đồng và khoảng 12.083 tỷ đồng tầm nhìn đến năm 2050.
Bắc Ninh là một phần của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam. Tính đến năm 2023, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất trong cả nước, với tổng diện tích tự nhiên chỉ 822,7km2, chiếm khoảng 0,15% diện tích của Việt Nam và nhỏ hơn 20 lần so với Nghệ An - tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, là 16.490,25km2.