Sân bay từng được người Pháp tự hào là 'pháo đài bất khả xâm phạm', được rót hàng nghìn tỷ đồng lột xác đón những 'đại bàng cỡ lớn'

21-03-2024 10:56|Quỳnh Như

Cuối năm 2023, sân bay này chính thức ghi dấu mốc đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử đón nhận thành công một máy bay cỡ lớn, hiện đại.

Nằm giữa địa hình lòng chảo hẻo lánh

Sân bay Mường Thanh nằm ở vị trí trung tâm của lòng chảo Mường Thanh (phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), cách các ngọn núi cao từ 10-12km. Sân bay do người Pháp xây dựng từ năm 1939, lúc đó nằm trong hệ thống sân bay miền núi hẻo lánh của vùng Tây Bắc Việt Nam.

Thuở sơ khai, đường cất hạ cánh của sân bay chỉ là mặt đất cấp phối sỏi sạn, chịu được tải trọng máy bay chiến đấu và vận tải nhẹ như Morane, Potez... Các công trình phụ trợ của sân bay thời gian đầu hầu như không có gì ngoài đường cất hạ cánh, một sân đỗ máy bay nhỏ và các mương thoát nước.

Quân Pháp lắp ráp xe bọc thép được máy bay thả xuống sân bay Mường Thanh. Ảnh: Báo điện tử VOV

Quân Pháp lắp ráp xe bọc thép được máy bay thả xuống sân bay Mường Thanh. Ảnh: Báo điện tử VOV

Với nhiệm vụ vô cùng quan trọng, tướng Henri E. Navarre của Pháp đã không tiếc tay để biến sân bay Mường Thanh trở nên hữu dụng và an toàn. Do đó đường băng được ghép bằng hàng vạn tấm ghi sắt được làm sẵn từ Pháp chuyển sang bằng máy bay, thả dù và lắp ghép tại Điện Biên. Tháng 1/1954, không quân Pháp chuyển 3 tấn dây thép gai từ sân bay Bạch Mai đến xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Về khối lượng chuyên chở, mỗi ngày có gần 100 lượt máy bay vận tải từ đầu cầu Hà Nội và Hải Phòng tiếp tế cho Điện Biên Phủ từ 200-300 tấn hàng và từ 100-150 lính dù.

Mặc dù là sân bay dã chiến nhưng tướng Navarre từng tự hào rằng, Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, là “cỗ máy nghiền nát mọi cuộc tấn công của Việt Minh”. Vị tướng Pháp quyết định tiếp nhận chiến đấu với quân ta ở Điện Biên Phủ như một cái bẫy để thu hút, giam chân nhiều sư đoàn chủ lực của Việt Minh nhằm đỡ đòn cho đồng bằng Bắc Bộ.

Tuy nhiên, khi các trận địa pháo mặt đất và pháo cao xạ của Quân đội Nhân dân Việt Nam mọc lên dày đặc xung quanh các dãy đồi cao, hỏa lực phòng không cũng ngày được siết chặt trên bầu trời, cộng với việc sau khi kết thúc giai đoạn một của cuộc chiến, thời tiết tại Điện Biên Phủ ngày càng trở nên xấu hơn khiến cho thế mạnh về không quân của người Pháp và sân bay Mường Thanh gần như bị tê liệt, không phát huy tác dụng.

Bộ đội ta bên chiếc máy bay của Pháp bị pháo cao xạ 37mm bắn cháy. Ảnh: Báo điện tử VOV

Bộ đội ta bên chiếc máy bay của Pháp bị pháo cao xạ 37mm bắn cháy. Ảnh: Báo điện tử VOV

Theo Cổng TTĐT Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, ngày 1/5/1954, Việt Minh mở cuộc tổng công kích trên toàn mặt trận. Sau những trận đánh kéo dài suốt ngày đêm, tất cả vùng ngoại vi của cụm trung tâm bị tràn ngập. Tình thế buộc người Pháp hoặc chấm dứt trận đánh này vì thiếu lương thực hoặc dồn nỗ lực cuối cùng, nhờ vào sự hỗ trợ chủ yếu của không quân để có thể giành lại những thắng lợi nào đấy.

Trên thực tế, những nỗ lực của quân Pháp trong giai đoạn này hoàn toạn bị dập tắt do sự thu hẹp của các bãi đáp, chỉ phân nửa tiểu đoàn được tăng viện được thả xuống Điện Biên Phủ. Chiều ngày 7/5/1954, một đội xung kích của Việt Minh tiến vào hầm chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Toàn bộ Bộ chỉ huy của tập đoàn này bị bắt, Điện Biên Phủ được giải phóng hoàn toàn.

Thiệt hại của không quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ là 36 máy bay bị bắn rơi hoặc phá hủy ngay trên mặt đất, 150 chiếc bị trúng đạn. Đã có khoảng 79 lính và sỹ quan Pháp chết hoặc mất tích (kể cả không quân và lực lượng máy bay của hải quân).

Cảng hàng không kết nối vùng kinh tế trọng điểm

Sau này, sân bay Điện Biên được khôi phục từ sân bay Mường Thanh. Năm 1958, vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở tại sân bay Điện Biên và do quân đội đảm nhiệm nhưng các chuyến bay rất ít. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Cảng hàng không Điện Biên Phủ vẫn được duy trì nhưng hầu như không sử dụng vào khai thác.

Cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: Báo Người Lao Động

Cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: Báo Người Lao Động

Năm 1984, đợt kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tuyến đường bay Hà Nội- Điện Biên được sử dụng máy bay AN24, AK40. Do các điều kiện kỹ thuật không cho phép, chỉ sau 10 tháng khai thác, đường bay đã bị cắt để sửa chữa đường cất hạ cánh. Sau khi sửa chữa, sân bay hoạt động trở lại và máy bay là loại ATR72.

Từ năm 1990-2004, sân bay Điện Biên được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng mới và sửa chữa các công trình như đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, sân đỗ ô tô, các công trình quản lý bay, tháp chỉ huy...

Cho đến năm 2021, sân bay Điện Biên vẫn có quy mô nhỏ với 1 đường băng dài 1.830m, rộng 30m, hệ thống trang thiết bị giản đơn, sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ, nhà ga hành khách có công suất 300.000 khách/năm.

Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất, hạ cánh, Cảng hàng không Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Nhằm phát triển kinh tế Điện Biên nói riêng, kinh tế vùng Tây Bắc nói chung, ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên. Dự án có nội dung đầu tư xây dựng mở rộng quy mô đường cất hạ cánh đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321. Đồng thời, nhà ga hành khách của sân bay được thiết kế 2 tầng, nâng công suất từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm...

Sáng 24/12/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chính thức khánh thành Dự án mở rộng sân bay Điện Biên với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Nghi thức phun vòi rồng chào đón chuyến bay của Vietnam Airlines tại sân bay Điện Biên. Ảnh: Báo QĐND

Nghi thức phun vòi rồng chào đón chuyến bay của Vietnam Airlines tại sân bay Điện Biên. Ảnh: Báo QĐND

Trước đó, ngày 1/12/2023, chiếc máy bay Airbus A321 mang số hiệu VN-A396 đã chạm bánh xuống mặt đường băng sân bay Điện Biên Phủ, chính thức ghi dấu mốc đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử của sân bay này đón nhận thành công một máy bay cỡ lớn, hiện đại.

Việc đưa vào khai thác an toàn máy bay phản lực tại sân bay Điện Biên Phủ kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước là Hà Nội và TP. HCM là cột mốc quan trọng trong ngành hàng không Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung.

>> Lộ diện tuyến ống ngầm dài 21km cung cấp nhiên liệu cho sân bay lớn nhất Việt Nam

Tỉnh đông dân có thành phố nhỏ nhất Việt Nam sắp có sân bay quốc tế đầu tiên

Thị xã gần cảng biển, sân bay đang phấn đấu lên thành phố, được xếp vào hàng các địa phương có mật độ tập trung di tích cao nhất Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/san-bay-tung-duoc-nguoi-phap-tu-hao-la-phao-dai-bat-kha-xam-pham-duoc-rot-hang-nghin-ty-dong-lot-xac-don-nhung-dai-bang-co-lon-d118480.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sân bay từng được người Pháp tự hào là 'pháo đài bất khả xâm phạm', được rót hàng nghìn tỷ đồng lột xác đón những 'đại bàng cỡ lớn'
    POWERED BY ONECMS & INTECH