Tuyến đường đi qua Thái Bình và Nam Định có tổng chiều dài 33km, thuộc cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08).
Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2023.
Dự án đường cao tốc CT.08 đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có tổng chiều dài khoảng 60,9km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Tuyến đường có điểm đầu tại cầu vượt sông Đáy thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và điểm cuối tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Thời gian thực hiện dự án là từ 2023-2027.
Với cao tốc CT.08 đoạn đi qua tỉnh Thái Bình có chiều dài hơn 33km, đi qua địa bàn 10 xã của huyện Kiến Xương và 8 xã của huyện Thái Thụy. Hiện nay, công tác báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án đang được triển khai khẩn trương. Để thực hiện dự án, tỉnh đã thu hồi hơn 448ha đất, trong đó đất nông nghiệp 398ha, đất ở gần 9ha, đất khác trên 41ha.
Hiện tại, tổng mức đầu tư và phương án tài chính cho dự án đang được nhà đầu tư tiến hành rà soát để có số liệu chính xác nhất trước khi trình duyệt.
Đối với công tác khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ cát, hiện nay đang được đơn vị tư vấn, nhà đầu tư đề xuất dự án tiến hành triển khai trên địa bàn hai tỉnh Thái Bình, Nam Định để làm cơ sở xác định nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án.
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình được đầu tư xây dựng sẽ góp phần hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1 tháng 9 năm 2021.
Cao tốc khi được hoàn thiện sẽ giúp kết nối đường bộ cao tốc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh từ đó tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Đây cũng là cơ sở để các tỉnh thu hút nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.