Sắp có thay đổi rất quan trọng với học sinh trường chuyên trên cả nước
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo chương trình nâng cao đầu tiên, chuẩn hoá nội dung giảng dạy các môn chuyên cho trường chuyên trên toàn quốc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định chương trình giáo dục nâng cao dành cho các môn chuyên tại trường THPT chuyên trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên một chương trình học được xây dựng thống nhất, chuyên biệt cho hệ thống trường chuyên, nhằm tạo nền tảng pháp lý rõ ràng và bảo đảm chất lượng đào tạo mũi nhọn.

Chương trình nâng cao được áp dụng cho 15 môn học gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Địa lý, Lịch sử, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật và Tiếng Trung. Các chương trình này được thiết kế trên nguyên tắc kế thừa chương trình phổ thông hiện hành, nhưng đi sâu vào chuyên môn và phát triển năng lực chuyên biệt của học sinh.
Mỗi môn học chuyên gồm các chuyên đề nâng cao có chiều sâu học thuật, gắn với những vấn đề khoa học và thực tiễn trong nước và quốc tế. Mục tiêu là phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng lực nổi bật, chuẩn bị cho các kỳ thi học sinh giỏi trong và ngoài nước, đồng thời tạo tiền đề để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mỗi chuyên đề được thiết kế với thời lượng từ 18–20 tiết, đủ để học sinh đào sâu kiến thức và rèn luyện tư duy phản biện, phân tích – đánh giá các vấn đề chuyên môn phức tạp.
Về thời lượng học, các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ được phân bổ 70 tiết mỗi năm. Các môn còn lại như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Tin học có thời lượng 52 tiết/năm. Đặc biệt, chương trình còn phân chia thành hai phần: nội dung bắt buộc và nội dung lựa chọn bắt buộc (chiếm khoảng 20%), giúp các cơ sở giáo dục linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đặc điểm địa phương và học sinh.
Đối với các môn khoa học tự nhiên, chương trình chú trọng thực hành, thí nghiệm, phát triển tư duy logic và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), cũng được tích hợp trong định hướng học tập và nghiên cứu của học sinh chuyên.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng chương trình này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và quy định pháp lý. Luật Giáo dục năm 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ban hành theo Thông tư 32) đã khẳng định giáo dục chuyên là một phần quan trọng trong hệ thống giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có chương trình nâng cao chính thức và thống nhất cho các môn chuyên, dẫn đến sự chênh lệch trong tổ chức giảng dạy giữa các trường và địa phương.
Việc ban hành chương trình giáo dục nâng cao không chỉ góp phần khắc phục sự thiếu nhất quán đó, mà còn định hướng chiến lược dài hạn cho giáo dục mũi nhọn. Đồng thời, đây cũng là bước tiến quan trọng để đảm bảo sự công bằng trong cơ hội học tập cho học sinh chuyên trên cả nước.
Bộ cũng kỳ vọng chương trình sẽ mang lại lợi ích toàn diện: Học sinh được học tập trong môi trường học thuật chất lượng cao, phát triển kỹ năng tự học, nghiên cứu và trình bày khoa học; giáo viên có cơ sở chuyên môn rõ ràng để giảng dạy hiệu quả; và về lâu dài, chương trình sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thị trường lao động.