Sẽ có thêm 9 cây cầu bắc qua con sông đi qua 9 tỉnh, thành của Việt Nam
Ngoài 9 cây cầu hiện tại, thành phố Hà Nội cũng đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra vào sáng ngày 8/1, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Trần Sỹ Thanh cho biết rằng trong năm 2024, thành phố đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng trưởng đạt 6,52% (năm 2023 là 6,27%).
Ngoài ra, trong năm vừa qua, nhiều công trình, dự án của thành phố đã được khánh thành, được khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đặc biệt, tại hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh cũng cho biết thành phố Hà Nội đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng (hiện tại đã có 9 cầu); đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc), đồng thời đang tập trung chỉ đạo để quyết định chủ trương đầu tư 3 cầu (cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi).
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố Hà Nội. Năm nay, thành phố đã xác định 325 nhiệm vụ và kế hoạch.
Ông Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục tập trung quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu phát triển cao nhất, với tinh thần Hà Nội sẵn sàng tâm thế, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để cùng đất nước bước vào "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Sông Hồng là một trong những con sông lớn của thế giới, xếp thứ 26 toàn cầu và thứ 12 tại châu Á. Dòng sông này bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có chiều dài gần 1.200km, trong đó đoạn chảy qua Việt Nam dài hơn 550km, qua 9 tỉnh thành gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và đổ ra Biển Đông tại cửa Ba Lạt (Nam Định).
>> Chốt vị trí xây dựng cây cầu 7.300 tỷ thuộc công trình cấp đặc biệt bắc qua sông Hồng