Bất động sản

Sau sáp nhập, một địa phương của Việt Nam sẽ trở thành 'trùm' cảng biển, sở hữu cảng duy nhất miền Nam có tuyến tàu trực tiếp kết nối Âu - Mỹ

Hải Đăng 05/05/2025 14:00

Sau khi sáp nhập, địa phương này sẽ sở hữu nhiều cảng biển nhất Việt Nam đồng thời cũng là địa phương duy nhất tại miền Nam sở hữu tuyến tàu trực tiếp kết nối Âu - Mỹ.

TP. HCM mới sẽ là "trùm" cảng biển với hệ thống số lượng bến cảng lớn nhất cả nước

Nghị quyết số 60 của Trung ương đã thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo đó, Việt Nam sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ chỉ còn 34 đơn vị gồm 28 tỉnh và 6 TP trực thuộc Trung ương. Trong số đó có 11 tỉnh/thành giữ nguyên hiện trạng và 53 địa phương còn lại dự kiến sẽ sáp nhập thành 23 tỉnh/thành.

Hiện nay, Việt Nam đang có 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 28 địa phương ven biển với tổng chiều dài đường bờ biển 3.260km.

Sau khi sắp xếp, cả nước sẽ chỉ còn 21 tỉnh/thành ven biển nhưng tỷ lệ địa phương giáp biển tăng lên 62% (21/34 tỉnh), trong khi tỷ lệ hiện nay là 44%.

>> Chỉ 2 tháng nữa, tỉnh lớn nhất Việt Nam không thuộc diện sáp nhập sẽ xóa tên 2 thị xã trực thuộc khỏi bản đồ hành chính

Sau sáp nhập, một địa phương của Việt Nam sẽ trở thành 'trùm' cảng biển, sở hữu cảng duy nhất miền Nam có tuyến tàu trực tiếp kết nối Âu - Mỹ- Ảnh 1.
Sau khi sáp nhập 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP. HCM, địa phương mới sẽ sở hữu số lượng cảng biển lớn nhất cả nước. Ảnh: Internet

Nếu phương án sáp nhập hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP. HCM được thông qua, một đô thị siêu cấp mới sẽ hình thành – nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố hạ tầng chiến lược, trong đó nổi bật là hệ thống cảng biển có quy mô và vai trò hàng đầu cả nước.

Theo đó, TP. HCM mở rộng sẽ tiếp quản cụm cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, hiện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là cảng biển lớn nhất Việt Nam, đứng thứ 19 trong danh sách các cảng nước sâu hàng đầu thế giới. Với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 200.000 tấn, Cái Mép – Thị Vải đồng thời là cảng duy nhất tại khu vực miền Nam có tuyến tàu hàng hải trực tiếp nối liền châu Âu và châu Mỹ – một lợi thế đặc biệt trong giao thương toàn cầu.

Tổng thể, thành phố mới sẽ sở hữu hệ thống 89 bến cảng biển, tạo nên năng lực logistics vượt trội, thuận lợi cho xuất nhập khẩu và giao thương hàng hóa quốc tế. Nếu tính cả 10 bến cảng dầu khí ngoài khơi hiện nay của Bà Rịa – Vũng Tàu, con số này nâng lên thành 99 bến – gần gấp đôi so với hệ thống cảng tại Hải Phòng (50 bến) vốn đang là đầu mối cảng biển lớn nhất miền Bắc.

Như vậy, sau hợp nhất, TP. HCM sẽ nắm giữ gần một phần ba tổng số bến cảng của cả nước (hơn 300 bến), gấp 2,5 lần hiện trạng hiện nay, theo thống kê của VnExpress.

Cũng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụm cảng biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu được xếp loại là "cảng biển đặc biệt", giữ vai trò là cảng cửa ngõ và trung chuyển quốc tế quan trọng nhất cả nước.

Cái Mép – Thị Vải: Cửa ngõ hàng hải đón tàu container lớn nhất thế giới

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tập trung tối đa nguồn lực để phát triển cụm cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng cửa ngõ quốc gia, trung tâm trung chuyển quốc tế cấp đặc biệt. Đây cũng được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.

Theo bảng xếp hạng mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) và hãng S&P Global Market Intelligence công bố vào tháng 6/2024, cụm cảng container tại khu vực Cái Mép đạt vị trí thứ 32 thế giới về công suất khai thác, đồng thời đứng thứ 12 toàn cầu về chỉ số hiệu suất vận hành (CPPI – Container Port Performance Index), trong tổng số 348 cảng container được khảo sát.

Tính đến tháng 8/2024, toàn khu vực Cái Mép – Thị Vải đã có khoảng 35 bến cảng, trong đó 22 bến đang được khai thác (bao gồm 19 dự án chính thức và 3 dự án tạm thời), với tổng công suất đạt 117,8 triệu tấn/năm. Riêng phân khúc cảng container có 7 bến hoạt động, công suất đạt 6,8 triệu TEU mỗi năm.

Sau sáp nhập, một địa phương của Việt Nam sẽ trở thành 'trùm' cảng biển, sở hữu cảng duy nhất miền Nam có tuyến tàu trực tiếp kết nối Âu - Mỹ- Ảnh 2.
Cái Mép – Thị Vải sẽ trở thành "cửa ngõ" hàng hải đón tàu container lớn nhất thế giới. Ảnh: Internet

Đáng chú ý, Cảng quốc tế Gemalink – một trong những cảng hiện đại thuộc cụm cảng này – đã tiếp nhận những tàu container thế hệ mới lớn nhất thế giới, với trọng tải lên đến 232.000 DWT và sức chở hơn 24.000 TEU. Đây được cho là minh chứng rõ ràng cho năng lực tiếp nhận tàu cỡ lớn và vị thế ngày càng được khẳng định của Cái Mép – Thị Vải trên bản đồ hàng hải toàn cầu.

Ngoài ra, khu vực này hiện có các tuyến tàu mẹ đi thẳng đến thị trường Mỹ và châu Âu, giúp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không còn phải trung chuyển qua cảng thứ ba. Điều này không chỉ rút ngắn thời gian vận chuyển mà còn góp phần đáng kể trong việc tiết giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Về mặt chiến lược phát triển, Cái Mép – Thị Vải đang được quy hoạch thành vùng chức năng công nghiệp – cảng biển gắn với trục kinh tế động lực chính của tỉnh. Khu vực này được định hướng phát triển thành đô thị dịch vụ tổng hợp đa ngành, vừa phục vụ công nghiệp cảng biển, vừa phát triển dịch vụ hỗ trợ hậu cần.

Không gian phát triển sẽ kết nối đồng bộ với Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến cao tốc trọng điểm vùng Đông Nam Bộ và chuỗi khu công nghiệp lớn như Phú Mỹ, Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Bà Rịa. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp gia tăng tính cạnh tranh của hệ thống logistics toàn vùng, đồng thời tạo đòn bẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Với hệ thống hạ tầng cảng biển quy mô lớn, năng lực tiếp nhận tàu hàng khổng lồ, cùng khả năng kết nối trực tiếp tới các thị trường chiến lược như châu Âu và châu Mỹ, Cái Mép – Thị Vải đang dần khẳng định vị thế là trung tâm trung chuyển quốc tế của Việt Nam. Sau sáp nhập, TP. HCM mở rộng không chỉ vươn lên dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng bến cảng, mà còn sở hữu lợi thế chiến lược độc nhất miền Nam – trở thành "trùm" cảng biển mới với vai trò cửa ngõ xuất nhập khẩu toàn cầu. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng và nâng tầm vị thế logistics của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế.

>> Việt Nam sắp có trung tâm tài chính đầu tiên: Được quốc gia sở hữu mô hình tương tự hàng đầu thế giới hỗ trợ xây dựng với khung chính sách duy nhất

Đề xuất thu phí 2.000 đồng/km cho tuyến cao tốc gần 29.600 tỷ đồng tại cửa ngõ Đông Nam Bộ

Vinhomes và CapitaLand Development hợp tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực bất động sản

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/sau-sap-nhap-mot-dia-phuong-cua-viet-nam-se-tro-thanh-trum-cang-bien-so-huu-cang-duy-nhat-mien-nam-co-tuyen-tau-truc-tiep-ket-noi-au-my-20225050510060012.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sau sáp nhập, một địa phương của Việt Nam sẽ trở thành 'trùm' cảng biển, sở hữu cảng duy nhất miền Nam có tuyến tàu trực tiếp kết nối Âu - Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH