Sau thương vụ thâu tóm tỷ đô liên quan đến Citibank Việt Nam, UOB kinh doanh ra sao?
Thương vụ mua lại mảng kinh doanh bán lẻ của Citibank tại ASEAN, bao gồm cả Việt Nam, được xem là một trong những điểm nhấn nổi bật trong lĩnh vực M&A ngành tài chính tại châu Á. Hậu thâu tóm, UOB có thể tận dụng cơ hội để tạo nên sự đột phá và củng cố vị thế của mình trên thị trường?
Thương vụ M&A tỷ đô
“Với hiệu lực từ ngày 01/03/2023, Ngân hàng Citibank, N.A., - Chi nhánh Hà Nội và Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển quyền sở hữu hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng bán lẻ cho Ngân hàng TNHH Một thành viên United Overseas Bank Việt Nam (UOB Việt Nam)”.
Hơn một năm, dòng thông báo trên vẫn được giữ trên trang chủ của website Citibank Việt Nam, đánh dấu mốc thời gian hoàn tất chuyển giao mảng kinh doanh bán lẻ của Citibank cho United Overseas Bank (UOB) – một trong những ngân hàng hàng đầu tại Singapore và khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là quốc gia thứ ba trong lộ trình thâu tóm mảng kinh doanh bán lẻ của Citibank tại khu vực ASEAN, sau Thái Lan và Malaysia. Trước đó, vào tháng 1/2022, UOB chính thức công bố kế hoạch mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại bốn thị trường ASEAN (ASEAN+4), bao gồm: Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Động thái này được xem là bước đi táo bạo trong bối cảnh "đám mây đen" của đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn tan biến, được UOB kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh bán lẻ tại khu vực ASEAN ngoài Singapore, nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về phong cách sống, thanh toán và quản lý tài sản của khách hàng.
Citibank là một ngân hàng quốc tế lớn, trực thuộc tập đoàn tài chính Citigroup có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ. Ảnh minh họa (Internet) |
Nói thêm về Citibank, đây là một trong những nhà băng ngoại có lịch sử hoạt động lâu đời tại Việt Nam, với nền móng đầu tiên từ trước năm 1975. Sau thời gian gián đoạn, năm 1993, ngân hàng này quay lại thiết lập văn phòng đại diện tại Hà Nội. Một năm sau, Citibank trở thành định chế tài chính Mỹ đầu tiên được cấp phép thành lập chi nhánh đầy đủ tại Thủ đô. Đến năm 1998, Citibank tiếp tục mở chi nhánh thứ hai tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại Việt Nam, Citibank tập trung vào hai phân khúc chính: khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng nổi bật ở lĩnh vực thẻ tín dụng và các khoản vay tín chấp, nhắm đến đối tượng là những người nhận lương qua tài khoản. Điểm nhấn của Citibank nằm ở sự linh hoạt và tiện ích trong các sản phẩm thẻ, đặc biệt là thẻ tín dụng và cung cấp các khoản vay không đảm bảo với lãi suất cạnh tranh.
Trong bước đi chiến lược của mình, UOB đã chọn mua lại mảng bán lẻ của Citibank tại ASEAN+4, bao gồm danh mục cho vay tín chấp, tín dụng có bảo đảm, quản lý tài sản, và ngân hàng bán lẻ tiền gửi. Điều này không chỉ giúp UOB đa dạng hóa nguồn thu từ nhiều quốc gia, nhiều sản phẩm mà còn tạo điều kiện để triển khai chiến lược bán chéo, từ đó củng cố vị thế thương hiệu trong khu vực.
Thương vụ được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh kế hoạch mở rộng khu vực của UOB trước 5 năm, đồng thời giúp ngân hàng nắm bắt các luồng thanh toán và dòng chảy tài sản trong khu vực ASEAN. “Với hệ sinh thái đối tác ngày càng mở rộng, chúng tôi có vị thế thuận lợi để phục vụ lượng khách hàng lớn hơn trên toàn khu vực ASEAN,” báo cáo của UOB nhấn mạnh.
Giá trị của thương vụ, theo The Straits Times, ước tính khoảng 4,915 tỷ đô la Singapore (khoảng 3,6 tỷ đô la Mỹ). Đây là một trong những giao dịch M&A nổi bật nhất trong ngành tài chính tại châu Á, bên cạnh các thương vụ đình đám khác như DBS Bank mua lại mảng kinh doanh bán lẻ và quản lý tài sản của ANZ tại 5 quốc gia châu Á vào năm 2016, hoặc vụ sáp nhập giữa Ngân hàng Quốc tế Bangkok (BAY) và Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) vào năm 2013...
Ngân hàng UOB (United Overseas Bank) là một ngân hàng đa quốc gia có trụ sở chính tại Singapore, được thành lập vào năm 1935. Ảnh minh họa. |
UOB kinh doanh ra sao sau thâu tóm?
Tại thị trường Malaysia và Thái Lan, đến tháng 11/2022, UOB hoàn tất mua lại mảng kinh doanh ngân hàng tiêu dùng, góp phần mang lại khoảng 1,3 triệu khách hàng. Với việc sáp nhập 13 chi nhánh và 95 máy tự phục vụ, hơn 90% nhân viên ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Malaysia và hơn 80% tại Thái Lan đã chuyển sang UOB. Đội ngũ lãnh đạo tại hai thị trường được giữ nguyên 100%.
Trong năm 2022, UOB ghi nhận tổng thu nhập 11,6 tỷ USD và lợi nhuận ròng 4,6 tỷ USD, đạt mức kỷ lục tại thời điểm đó. Nếu loại trừ chi phí một lần từ thương vụ Citigroup tại Malaysia và Thái Lan, lợi nhuận ròng cốt lõi đạt 4,8 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước.
Tháng 3 và tháng 11 năm ngoái, UOB hoàn tất thương vụ tại Việt Nam và Indonesia. Theo đó, UOB chuyển khoảng 700.000 khách hàng từ Malaysia và 500.000 khách hàng từ Indonesia sang nền tảng UOB.
Nhờ mua lại mảng bán lẻ của Citibank tại ASEAN 4+, trong hai năm 2022-2023, UOB mở rộng cơ sở khách hàng cá nhân lên khoảng 8 triệu. Mạng lưới củng cố tại Đông Nam Á đưa UOB vào top 5 nhà phát hành thẻ tín dụng hàng đầu tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Phí thẻ tín dụng đạt mức cao nhất vào quý IV năm ngoái, nhờ mở rộng khu vực và chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng.
Việc tăng khách hàng cá nhân và hợp nhất hoạt động thẻ tín dụng từ Citigroup góp phần giúp phí thẻ tín dụng của UOB tăng trưởng hai con số trong năm 2023. Tuy nhiên, thu nhập phí ròng giảm 9%, còn 2,1 tỷ USD, do tâm lý nhà đầu tư yếu, kéo theo sụt giảm phí quản lý tài sản và quỹ.
Dù vậy, tổng lợi nhuận không bị ảnh hưởng. Năm 2023, UOB ghi nhận lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh chính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước. Sau khi trừ chi phí một lần liên quan đến tích hợp Citigroup, lợi nhuận ròng đạt 5,7 tỷ USD.
“Minh chứng cho mô hình ngân hàng thương mại đa dạng của chúng tôi, tổng thu nhập đạt mức cao mới 13,9 tỷ USD, tăng 20% nhờ lãi suất cao hơn và mức phí kỷ lục từ thẻ và ngân hàng đầu tư,” báo cáo của UOB cho biết.
Trong tương lai, việc bán chéo sản phẩm đến khách hàng mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, trong khi chi phí tích hợp một lần dự kiến giảm dần từ giữa năm 2024. Việc mở rộng thị trường giúp UOB xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các thương hiệu uy tín trong khu vực, mang lại nhiều ưu đãi và đặc quyền phù hợp với phong cách sống độc đáo của khách hàng.
Ảnh minh họa (Báo Thanh Niên) |
Mới đây, UOB công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận ròng đạt 1,61 tỷ đô la Singapore (gần 1,2 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành), tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và vượt kỳ vọng của giới phân tích. Kết quả này được thúc đẩy bởi hoạt động giao dịch và đầu tư sôi động.
Ngân hàng dự báo tăng trưởng cho vay sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, sau mức thấp của năm 2024. Đồng thời, UOB kỳ vọng tăng trưởng phí đạt mức hai con số và duy trì tỷ lệ chi phí trên thu nhập trong khoảng 41-42%.
Trong 20 năm qua, UOB được đánh giá là ngân hàng duy trì tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) ổn định nhất tại Singapore. Theo J.P. Morgan Securities Singapore, thương vụ mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam được kỳ vọng trở thành động lực chính nâng cao ROE của UOB từ năm 2024, sau giai đoạn đầu tư lớn trong năm 2023.
Kiểm soát rủi ro
Một trong những vấn đề được quan tâm sau hợp nhất là quản lý rủi ro. Trên báo cáo, các hệ số về an toàn vốn như CAR (Capital Adequacy Ratio - tỷ lệ an toàn vốn) và CET1 của UOB sau khi hợp nhất mảng bán lẻ của Citibank gần như không thay đổi so với hai năm trước đó (2020-2021).
Hệ số CAR và CET1 của UOB (tổng hợp từ báo cáo KH) |
Trong Basel III, CET1 (Common Equity Tier 1) là thành phần cốt lõi của vốn cấp 1, bao gồm vốn cổ phần phổ thông và lợi nhuận giữ lại. CET1 thể hiện khả năng hấp thụ rủi ro và tổn thất của ngân hàng, đồng thời là chỉ số quan trọng để đánh giá sức mạnh tài chính của các tổ chức tín dụng.
Ngoài việc tuân thủ yêu cầu về vốn theo Basel, chất lượng tài sản của UOB trong giai đoạn 2022-2023 vẫn ổn định với tỷ lệ nợ xấu (NPL) lần lượt ở mức 1,6% và 1,5%.
UOB đã tăng cường áp dụng mô hình ba tuyến phòng thủ để quản lý rủi ro tín dụng hiệu quả hơn trong danh mục cho vay tiêu dùng, đặc biệt sau khi sáp nhập mảng ngân hàng tiêu dùng từ Citigroup. Đây là khung quản trị phổ biến trong lĩnh vực tài chính, giúp nhận diện, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro một cách toàn diện. Mô hình này phân chia trách nhiệm quản lý rủi ro thành ba tuyến phòng thủ rõ ràng, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động kiểm soát.
Tại Việt Nam, UOB có mặt từ năm 1993, bắt đầu với văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 1995, UOB trở thành ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Đến ngày 6/8/2018, UOB chính thức thành lập Ngân hàng TNHH Một Thành Viên United Overseas Bank (Việt Nam), trở thành ngân hàng con thứ năm của tập đoàn UOB tại châu Á.
Ngân hàng UOB Việt Nam đã tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023, sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận. Đây là lần tăng vốn điều lệ thứ hai trong vòng ba năm qua của UOB Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong việc đầu tư cho sự tăng trưởng dài hạn tại Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
>> UOB: Lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn là thách thức lớn đối với người tiêu dùng Việt Nam