Sẽ không có hình ảnh hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục an ninh, soi chiếu tại sân bay lớn nhất Việt Nam
Toàn hộ hệ thống trang thiết bị nhằm phục vụ tại nhà ga sân bay lớn nhất Việt Nam đều hoàn toàn tự động và sử dụng công nghệ AI, sẽ không có hình ảnh hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục an ninh, soi chiếu như các sân bay khác
Nhiều hạng mục vượt tiến độ
Theo ghi nhận mới nhất trên báo Giao Thông, những ngày cuối năm, trên đại công trường thi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang diễn ra với không khí vô cùng nhộn nhịp.
Theo đó, hàng nghìn cán bộ kỹ sư và công nhân đang bám trụ tại các dự án thành phần như nhà ga, đường băng, sân đỗ, đường kết nối T1, T2... để thi công "3 ca 4 kíp".
Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ông Vũ Thế Phiệt, tiến độ gói thầu nhà ga sân bay Long Thành hiện đang rất tốt.
Theo đó, các nhà thầu lắp đặt hệ thống khung thép, hệ kính, mái... nhằm hoàn chỉnh phần mái, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt các hệ thống thiết bị bên trong.
Trước đó, tại buổi kiểm tra trong những ngày cuối năm 2024, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu tăng tốc hơn trong việc thi công và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.
>> Năm nay, Việt Nam có duy nhất 1 thành phố lọt TOP tốt nhất thế giới
Nhằm thực hiện chỉ đạo này, Bộ GTVT đã thành lập tổ thường trực tại dự án để năm tiến độ hàng ngày.
Theo ông Nguyễn Bách Tùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng được phân công là tổ phó thường trực cho biết, đã làm việc với chủ đầu tư và từng nhà thầu để rà soát lại tiến độ các hạng mục.
Trên cơ sở đó, tiến hành lập lại tiến độ tổng thể chung của dự án với đích hoàn thành vào 31/12/2025.
Theo chia sẻ của ông Lê Hoàng Minh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty quản lý bay, chủ đầu tư dự án thành phần 2 - các công trình quản lý bay cho biết tiến độ các gói thầu đang rất tốt.
Trong đó, tháp không lưu hiện đã xong phần thô, chuẩn bị lắp kết cấu mái thép, vượt tiến độ so với 1 tháng, đến ngày 30/6/2025 sẽ hoàn thành toàn bộ phần xây lắp.
Hệ thống trang thiết bị sẽ nhập khẩu hoàn toàn, trong 6 gói thiết bị đã đấu thầu 2 gói còn 4 gói sẽ tiếp tục đấu thầu.
Dự án thành phần 4 có tiến độ triển khai chậm hơn so với các dự án khác.
Theo ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhận định, các đơn vị thành viên của Vietnam Airlines vừa được lựa chọn là nhà đầu tư hạ tầng phụ trợ gồm cơ sở sửa chữa máy bay (hangar), dịch vụ cung cấp suất ăn, dịch vụ mặt đất... tại sân bay Long Thành.
Nhiều gói thầu triển khai trong hơn 18 tháng, nghĩa là năm 2026 mới hoàn thành.
Mặc dù vậy, trên tinh thần chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, ông Lê Hồng Hà cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị lập lại tiến độ các hạng mục để nỗ lực hoàn thành đúng với kế hoạch.
Các tuyến đường kết nối được đẩy mạnh
Hiện nay, để kết nối sân bay Long Thành, hệ thống các tuyến cao tốc như TP. HCM - Long Thành, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu... đều đang được xây dựng, mở rộng nhằm tăng cường kết nối từ các địa phương đến sân bay.
Đáng nói, việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xem là động lực quan trọng, tạo thế đường bộ - đường sắt - đường hàng không kết hợp đảm bảo thuận tiện.
Sẽ tự động hóa từ ngoài vào trong
Theo chia sẻ của ông Vũ Thế Phiệt, toàn bộ hệ thống trang thiết bị nhằm phục vụ trong nhà ga như băng chuyên, thiết bị soi chiếu đã được đấu thầu, do nhà thầu nước ngoài cung cấp.
Những thiết bị này được thiết kế riêng cho sân bay Long Thành, hoàn toàn tự động và sử dụng công nghệ AI, hạn chế tối đa tác động của con người trong quá trình vận hành.
Theo ông Dương Quang Điện - Phó Giám đốc Thường trực Ban QLDA Long Thành, một trong những điểm nổi bật của sân bay Long Thành là ứng dụng công nghệ AI vào hệ thống quản lý an ninh, phân tích dữ liệu như làm thủ tục hành khách, xuất nhập cảnh nhằm hỗ trợ việc nhận dạng danh tính thông qua dữ liệu sinh trắc học.
Theo đó, những hình ảnh hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục an ninh, soi chiếu như các sân bay khác sẽ không còn xuất hiện tại Long Thành.
Việc kiểm soát an ninh, làm thủ tục xuất nhập cảnh cũng diễn ra hoàn toàn tự động, không có nhân viên.
Các hành khách cũng không cần tháo giày để kiểm tra mỗi khi qua an ninh như các sân bay hiện nay.
Thậm chí chuyện hành lý ký gửi cũng sẽ được gắn mã, vận chuyển bằng khay độc lập kết hợp với công nghệ nhận dạng thông tin giúp cho việc phân loại hành lý chính xác.
Quá trình soi chiếu an ninh, soi chiếu hải quan hoàn toàn tự động, an toàn. Hành khách có thể truy cập vào hệ thống để theo dõi lộ trình hành lý của mình đang di chuyển đến đâu để khỏi mất công xếp hàng chờ đợi.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, để sân bay lớn nhất Việt Nam đi vào vận hành và phục vụ hành khách, cần khoảng 14.000 lao động ở tất cả các bộ phận khác nhau.
Lãnh đạo Học viện Hàng không Việt Nam cho biết đã phối hợp với các đơn vị như Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các đơn vị phục vụ mặt đất, dịch vụ để đào tạo nguồn nhân lực.
Tại Đồng Nai, trường Lilama cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn đào tạo hàng trăm sinh viên, sẵn sàng cho việc vận hành khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.