Tỉnh miền Bắc sẽ lên TP trực thuộc Trung ương sắp có khu công nghiệp mới, quy mô hơn 234ha
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo báo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 22/01/2025, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Kim Thành 2 (giai đoạn 1) tại tỉnh Hải Dương. Dự án do CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên làm nhà đầu tư chính.
Dự án được triển khai tại xã Đại Đức và xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, với tổng diện tích 234,63ha, bao gồm 18,68ha diện tích sông giữ nguyên hiện trạng. Tổng vốn đầu tư của dự án là 3.403 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư chiếm 513,85 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định chủ trương đầu tư và quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp theo quy định. Các bộ, ngành liên quan thực hiện thẩm định và quản lý dự án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
UBND tỉnh Hải Dương có trách nhiệm đảm bảo dự án phù hợp với phương án phân bổ đất đai trong Quy hoạch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, và đáp ứng các chỉ tiêu đất khu công nghiệp được phê duyệt. Đồng thời, tỉnh phải giám sát nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, đảm bảo vị trí và quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng.
Tỉnh Hải Dương cũng phải rà soát ranh giới dự án để đảm bảo tuân thủ quy định về giao thông, thủy lợi và tài nguyên nước. Đặc biệt, diện tích sông, mương, kênh, rạch trong khu vực dự án cần được quản lý chặt chẽ, đảm bảo phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với khoản 5 Điều 8 Luật Tài nguyên nước. Trường hợp xảy ra vi phạm, tỉnh phải chủ trì xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, UBND tỉnh cần xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cho thuê đất theo các văn bản pháp lý đã được phê duyệt. Phải đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng đất trong khu vực dự án, đồng thời bổ sung diện tích đất trồng lúa bị mất hoặc nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Luật Đất đai.
CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên, với vai trò nhà đầu tư, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và minh bạch của hồ sơ dự án. Nhà đầu tư phải thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo đúng quy hoạch được phê duyệt, giữ nguyên trạng diện tích sông và tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước. Nhà đầu tư cũng cần sử dụng nguồn vốn góp theo cam kết, đảm bảo huy động đầy đủ nguồn vốn khác nếu không đủ vốn dự kiến từ các tổ chức tín dụng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, cũng như ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng để đảm bảo thực hiện dự án.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương, ông Vũ Minh Nghĩa, cho biết tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 16 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%. Đến năm 2030, tỉnh dự kiến có 28 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa trên 55%, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.