Thế giới

Shopee vướng kiện chống độc quyền vì ưu tiên Shopee Express

Vũ Bấc 28/06/2024 - 08:12

Shopee đối mặt các cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh tại Indonesia do ưu tiên cho Shopee Express trong giao hàng.

Cơ quan chống độc quyền của Indonesia - Komisi Pengawas Persaingan Usaha (KPPU), đã xác định rằng Shopee đã vi phạm các quy định độc quyền của nước này liên quan đến hoạt động dịch vụ chuyển phát nhanh.

Shopee vướng kiện chống độc quyền vì ưu tiên Shopee Express
Sàn thương mại điện tử Shopee

Shopee, sàn thương mại điện tử hiện có lượng người dùng hàng tháng nhiều nhất thị trường Indonesia (theo Statista), hoạt động thông qua hai công ty con địa phương là: PT Shopee International Indonesia và PT Nusantara Ekspres Kilat.

Cuộc điều tra của KPPU cho thấy công ty con địa phương của Shopee đã vi phạm các quy định chống cạnh tranh bằng cách gây áp lực buộc khách hàng phải sử dụng các công ty giao hàng cụ thể. "Shopee và Shopee Express đã thừa nhận vi phạm Luật số 5 năm 1999 về dịch vụ chuyển phát trên nền tảng Shopee. Hai đơn vị này đã đồng ý với các điểm thay đổi do Hội đồng KPPU đưa ra trong buổi điều trần ngày hôm qua," Ủy ban Giám sát Cạnh tranh KPPU của Indonesia cho biết trong một tuyên bố.

Theo đó, cơ quan giám sát cũng cáo buộc Shopee có "hành vi phân biệt đối xử" đối với các đơn vị giao hàng khác. Dịch vụ vận chuyển Shopee Express và một dịch vụ chuyển phát khác là J&T Express đã "tự động được chọn hàng loạt trên bảng điều khiển của người bán" trong khi các công ty khác có hiệu suất dịch vụ tốt lại không được chọn tự động.

Đáng chú ý, một trong những công ty này có một quan chức của Shopee Indonesia trong ban giám đốc, làm dấy lên lo ngại về các hoạt động thị trường không công bằng và xung đột lợi ích trong vận hành. Theo CNBC, KPPU cũng nêu tên một nhân viên giữ chức vụ giám đốc ở đồng thời cả Shopee Indonesia và Shopee Express, cho rằng "vị trí kép" này có khả năng ảnh hưởng đến cạnh tranh và kiểm soát hành vi của cả hai công ty.

Đáp lại cáo buộc trên, Shopee thừa nhận có ưu tiên cho đơn vị vận chuyển Shopee Express trong hoạt động giao hàng dù những nhà vận chuyển có năng lực tốt hơn. Công ty đã cam kết sửa đổi các hoạt động kinh doanh của mình. Vào ngày 20/6, công ty đã đệ trình một đề xuất lên KPPU nêu chi tiết những thay đổi trong hành vi theo kế hoạch. Cơ quan chống độc quyền đã công nhận đệ trình này và hiện đang thảo luận với Shopee để đảm bảo công ty tuân thủ các điều kiện hoạt động hợp pháp ở Indonesia.

Trước Shopee, đầu năm nay một “ông lớn” khác là Amazon cũng bị điều tra bởi các cơ quan chống độc quyền với cáo buộc sử dụng quyền lực thị trường để ưu tiên sản phẩm riêng, gây thiệt hại cho các nhà bán lẻ bên thứ ba. Các cáo buộc cho rằng Amazon đã tạo ra sự không công bằng trong thị trường bằng cách sử dụng dữ liệu từ các nhà bán lẻ bên thứ ba để phát triển và quảng bá sản phẩm của riêng mình. Điều này dẫn đến việc các sản phẩm của Amazon được hiển thị nhiều hơn và dễ dàng tiếp cận hơn so với sản phẩm của các nhà bán lẻ khác.

Các hành động này đã làm dấy lên mối lo ngại về sự cạnh tranh không công bằng và độc quyền trên thị trường thương mại điện tử, tương tự như các vấn đề mà Shopee và Lazada đang đối mặt ở Indonesia. Những vụ án này cho thấy một mô hình chung trong cách mà các sàn thương mại điện tử lớn có thể sử dụng quyền lực của mình để ưu tiên cho các dịch vụ hoặc sản phẩm riêng, gây ra sự không công bằng đối với các đối thủ cạnh tranh và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

>> Google "nín thở" chờ phán quyết trong vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ

Chưa dừng lại ở Shopee, KPPU cũng đang điều tra đối thủ Lazada. Gã khổng lồ ngành thương mại điện tử có vốn đầu tư của Alibaba được cho là đã bị phát hiện dấu hiệu vi phạm tương tự. "Nếu bị chứng minh vi phạm, Lazada có thể bị phạt tối đa 50% lợi nhuận ròng hoặc 10% tổng doanh thu mà họ kiếm được trên thị trường liên quan trong thời gian vi phạm," KPPU cho biết trong một tuyên bố tháng trước.

Động thái này của KPPU là nỗ lực nhằm duy trì sự cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Sự giám sát của Shopee diễn ra sau cuộc điều tra gần đây về các hành vi vi phạm chống độc quyền tương tự của đối thủ của họ, Lazada, cũng hoạt động rộng rãi ở Indonesia.

Theo CNBC và Harvard Business Review

>> AliExpress, Temu bị khách hàng Hàn Quốc tố quảng cáo lừa đảo, chiêu trò đa cấp

Lazada bác bỏ tin đồn 'gã khổng lồ' TMĐT Alibaba thoái vốn

Sốc: Nhân viên Shopee đột ngột qua đời tại văn phòng, nghi vấn do kiệt sức

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/shopee-vuong-kien-chong-doc-quyen-vi-uu-tien-shopee-express-240208.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Shopee vướng kiện chống độc quyền vì ưu tiên Shopee Express
POWERED BY ONECMS & INTECH