Với việc sử dụng cỗ máy này từ năm 2015, chi phí lắp đặt các nhịp cầu đã giảm xuống chỉ còn 1/3 so với trước và thời gian thi công được đẩy nhanh đáng kể.
Khó có thể phủ nhận rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia sở hữu nền công nghiệp xây dựng rất phát triển. Quốc gia này từng khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng khi xây một tòa nhà 57 tầng chỉ trong vòng 19 ngày.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là quốc gia sở hữu những cây cầu dài nhất hay cao nhất trên thế giới như cầu Nam Kinh, cầu lớn Đan Dương Côn Sơn, cầu lớn Thiên Tân hay cầu Vịnh Hàng Châu, cầu Đông Hải,...
Thông thường, việc xây dựng những chiếc cầu khổng lồ như vậy tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Ví dụ, cầu Đan Dương - Côn Sơn được xây dựng với mức phí lên tới 8,5 tỷ USD (gần 200 nghìn tỷ đồng).
Để có thể đẩy nhanh xây dựng được những cây cầu như vậy thì những cỗ máy khổng lồ hay công nghệ tiên tiến nhất là điều không thể thiếu được. Trong đó phải kể đến cỗ máy nối nhịp cầu SLJ900/32 được chế tạo và lắp ráp bởi công Ty Beijing Wowjoint Machinery.
"Quái vật sắt" SLJ900/32 nặng tới 580 tấn, tổng chiều dài gần 92m và cao hơn 9m. Nó có tốc độ di chuyển khi không chở dầm bê tông là 8km/h, còn khi chuyên chở thêm dầm bê tông thì tốc độ của nó là 5km/h.
Cỗ máy SLJ900/32 |
Đây là cỗ máy cho phép lắp ráp những cây cầu một cách nhanh chóng mà vẫn mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu trước kia, người ta sử dụng cần cẩu để nâng những dầm cầu vượt bằng bê tông cực lớn và nặng lên cao thì giờ đây công việc đó được thực hiện chỉ bằng cỗ máy này.
Cỗ máy nối nhịp cầu SLJ900/32 hoạt động như thế nào?
Cỗ máy xây cầu SLJ900/32 di chuyển bằng 64 bánh xe quay tròn, được chia thành 4 khối với tải trọng ước tính hơn 2500 tấn (tức khả năng chở một khối lượng bê tông gấp hơn 4 lần khối lượng bản thân cỗ máy này).
Mỗi khối của tổ hợp này có thể xoay 90 độ, giúp cả cỗ máy dễ dàng nâng lên hạ xuống theo chiều thẳng đứng hay di chuyển theo chiều ngang - tùy vào mục đích sử dụng.
Cụ thể, SLJ900/32 có khả năng chở theo các dầm bê tông trong quá trình di chuyển. Sau đó, sử dụng một cấu trúc khí nén, nó sẽ neo vào cột trụ thứ nhất, từ từ dịch chuyển dần sang cột trụ thứ hai và đặt dầm bê tông xuống giữa 2 cột trụ cầu một cách chính xác. Các dầm cầu tiếp theo sẽ được thực hiện với các bước tương tự.
Cỗ máy SLJ900/32 giúp việc thi công trở nên dễ dàng hơn ở những nơi cần cẩu khó lòng tiếp cận được |
Tuy nhiên, dù cần ít nhân lực hơn so với việc xây cầu bằng cần cẩu, SLJ900/32 vẫn cần một đội ngũ giám sát toàn bộ quá trình cũng như vệ sinh và bảo dưỡng các bộ phận khác nhau.
Không chỉ tốc độ làm việc vượt trội hơn các phương pháp truyền thống trước kia, SLJ900/32 còn xây dựng nên tuyến đường sắt có khả năng chịu lực hơn các tuyến đường sắt trước vì nó là phương tiện nặng hơn bất cứ phương tiện nào từng di chuyển trên đường sắt.
Cỗ máy được chứng minh hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt đem lại lợi ích rất lớn cho các dự án quy mô “khủng”. Nó giúp hạn chế nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí dựng giàn giáo đắt đỏ và tăng tiến độ đáng kể.
SLJ900/32 có tuổi thọ 4 năm và có thể lắp 700 - 1.000 nhịp cầu trong suốt thời gian hoạt động. Với việc sử dụng cỗ máy SLJ900/32 từ năm 2015, ước tính chi phí lắp đặt các nhịp cầu đã giảm xuống chỉ còn 1/3 so với trước và thời gian thi công được đẩy nhanh hơn rất nhiều. Cho tới hiện tại, cỗ máy này đã thực hiện thành công rất nhiều cây cầu lớn nhỏ trên khắp Trung Quốc, có lúc chỉ mất vài ngày là xong một cây cầu. Nó cũng từng lọt top 10 cỗ máy “khủng nhất” trong ngành xây dựng thế giới.
Công trình nổi bật nhất được chế tạo bởi SLJ900/32 có thể kể đến như cầu đường sắt sông Kim Sa Nghi Tân. Theo Interesting Engineering, trước khi cây cầu này được xây dựng, việc di chuyển từ tỉnh Tứ Xuyên đến Quý Châu thường mất 12 giờ. Còn hiện tại thời gian đi lại chỉ còn 3 giờ. Hay tuyến đường sắt cao tốc nối Nội Mông với các khu vực còn lại của Trung Quốc cũng được xây dựng bởi cỗ máy này.