Siêu cường châu Á sắp cán mốc 50.000km đường sắt cao tốc, vận chuyển 4 tỷ tấn hàng hóa
Với tổng chiều dài dự kiến đạt 50.000km vào năm 2025, hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc khẳng định vị dẫn đầu thế giới.
Theo thông tin từ Tân Hoa Xã, Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc (China Railway) vừa công bố kế hoạch phát triển đầy tham vọng với mục tiêu nâng tổng chiều dài đường sắt cao tốc vượt ngưỡng 50.000km vào năm 2025. Cùng với đó, tập đoàn này dự kiến đạt doanh thu vận tải trên 1.000 tỷ NDT (tương đương 137 tỷ USD).
Tại hội nghị công tác thường niên diễn ra vào ngày 1/1, China Railway cho biết sẽ xây dựng thêm 2.600km đường sắt cao tốc trong năm 2024, bổ sung vào mạng lưới hiện tại dài 48.000km.
Kể từ khi khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên vào năm 2008, hệ thống này được phát triển với tốc độ phi thường. Đến năm 2024, tỷ trọng đường sắt cao tốc đã chiếm 30% tổng chiều dài đường sắt toàn quốc (162.000km), tăng đáng kể so với mức 20% ghi nhận vào năm 2017.
Bất chấp những hoài nghi từ quốc tế về gánh nặng nợ nần và khả năng sinh lời, China Railway vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu năm 2023 đạt 990,18 tỷ NDT, tăng 2,7% so với năm trước nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa sau đại dịch.
Việc mở rộng mạng lưới không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông và giảm chi phí logistics trong nước, mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu công nghệ và năng lực xây dựng cho Bắc Kinh, khi thủ đô Trung Quốc chuẩn bị đăng cai Đại hội Đường sắt cao tốc thế giới vào tháng 7 năm nay.
Hệ thống đường sắt Trung Quốc đạt bước tiến vượt bậc trong năm 2024, với mạng lưới cao tốc kết nối 97% thành phố có dân số trên 500.000 người. Số lượng hành khách đạt 4,08 tỷ lượt, tăng 10,8% so với năm trước. Khối lượng vận chuyển hàng hóa cũng tăng 1,9%, đạt 3,99 tỷ tấn - đánh dấu năm tăng trưởng thứ 8 liên tiếp.
Mặc dù không công bố chi tiết, China Railway cho biết lợi nhuận năm 2024 đạt "mức cao kỷ lục". Tình hình tài chính của tập đoàn cũng được cải thiện khi tỷ lệ nợ trên tài sản giảm 1,7 điểm phần trăm xuống còn 63,8%.
Bước sang năm 2025, China Railway đặt mục tiêu tăng trưởng toàn diện với doanh thu dự kiến đạt 1.016 tỷ NDT (tăng 2,6%), lượng hành khách 4,28 tỷ lượt (tăng 4,9%) và khối lượng vận chuyển hàng hóa 4,03 tỷ tấn (tăng 1,1%).
Theo lộ trình phát triển, đến năm 2030, tổng chiều dài đường sắt Trung Quốc sẽ đạt 180.000km, trong đó 60.000km là đường sắt cao tốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tích cực mở rộng ảnh hưởng trong lĩnh vực đường sắt cao tốc ra thị trường quốc tế. Điển hình là tuyến đường sắt Jakarta-Bandung (Indonesia) dài 142km, khánh thành tháng 10/2023, với tốc độ tàu tối đa 350km/h - dự án đầu tiên ứng dụng công nghệ đường sắt cao tốc Trung Quốc ở nước ngoài.
Triển vọng xuất khẩu công nghệ này đang rộng mở khi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang xem xét phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc. Đại hội Đường sắt cao tốc thế giới lần thứ 12 tại Bắc Kinh vào tháng 7 tới sẽ là cơ hội để Trung Quốc giới thiệu những tiến bộ công nghệ mới nhất tới các đối tác tiềm năng.
Mới đây, China Railway đã công bố mẫu tàu CR450 với tốc độ vận hành dự kiến đạt 400km/h - hứa hẹn trở thành đoàn tàu cao tốc thương mại nhanh nhất thế giới khi đưa vào sử dụng.
Theo South China Morning Post (SCMP)