Trung Quốc dốc toàn lực đưa máy bay ‘made in China’ ra nước ngoài, thị trường Đông Nam Á được nhắm đến đầu tiên
Dù đối mặt với nhiều thách thức trong việc đạt chứng nhận quốc tế, dự án này vẫn là bước đi quan trọng trong chiến lược nâng cao khả năng công nghệ của Trung Quốc và giảm phụ thuộc vào các nhà sản xuất phương Tây.
Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực nhằm phá vỡ sự thống trị của Boeing và Airbus trên thị trường máy bay, khi Comac - nhà sản xuất chiếc máy bay chở khách nội địa đầu tiên của nước này - tìm kiếm chứng nhận để bay ra ngoài lãnh thổ.
Máy bay C919 đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm 2023 và hiện đang được khai thác trên các tuyến nội địa bởi 3 hãng hàng không lớn Trung Quốc là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines.
Từ tháng này, China Eastern sẽ lần đầu tiên sử dụng C919 trên tuyến bay thường lệ giữa Hồng Kông (Trung Quốc) và Thượng Hải.
Yang Yang, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tiếp thị và bán hàng của Comac, cho biết công ty đặt mục tiêu để máy bay một lối đi này hoạt động tại Đông Nam Á vào năm 2026 và đạt chứng nhận từ châu Âu ngay trong năm nay.
“Chúng tôi hy vọng khai thác nhiều máy bay hơn trong nước để xác định kỹ các vấn đề trước khi mở rộng ra Đông Nam Á”, ông Yang chia sẻ.
C919 là dự án trọng điểm trong chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm đưa Trung Quốc vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, với mục tiêu thách thức thế độc quyền của Boeing và Airbus.
Những vấn đề tài chính, chậm giao hàng và gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây khó khăn cho Boeing và Airbus, tạo cơ hội cho những đối thủ mới như Comac. Theo dự báo của Airbus, thế giới sẽ cần 42.430 máy bay mới trong 2 thập kỷ tới, trong đó 80% là máy bay một lối đi.
Tuy nhiên, giới phân tính nhận định rằng con đường để C919 đạt được chứng nhận quốc tế và hỗ trợ bảo trì trên thị trường nước ngoài vẫn còn đầy thách thức.
Comac mới đây đã mở văn phòng tại Singapore và Hồng Kông để thúc đẩy sự hiện diện quốc tế. Dù vậy, theo CEO AeroDynamic Advisory, việc xây dựng hệ thống hỗ trợ sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu đòi hỏi nguồn lực lớn và chi phí cao.
Trong khi một số hãng hàng không ở châu Á bày tỏ sự quan tâm đến C919, nhiều Giám đốc điều hành nói riêng rằng họ vẫn còn do dự.
Bên cạnh đó, các bộ phận chủ chốt của C919 hiện vẫn do phương Tây sản xuất, với phần động cơ máy bay được cung cấp bởi liên doanh Pháp-Mỹ CFM International còn hệ thống điện phụ trợ từ Honeywell (Mỹ).
Việc tăng sản lượng sẽ phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng hợp tác của các nhà cung cấp phương Tây, một yếu tố không chắc chắn trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Dự án máy bay thân rộng C929 của Comac, nhằm cạnh tranh với các dòng máy bay lớn hơn như Boeing 787 Dreamliner, cũng đối mặt với nhiều khó khăn và dự kiến sẽ không ra mắt trước năm 2040.
Sash Tusa, chuyên gia phân tích ngành hàng không và quốc phòng tại Anh, đánh giá C919 vẫn chủ yếu phục vụ như một giải pháp thay thế nhập khẩu, giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài - hơn là trở thành đối thủ thực sự trên thị trường toàn cầu.
Theo Financial Times