Siêu cường châu Á sẽ cung cấp bản đồ dự đoán lũ lụt cho Việt Nam: Từng là 'tâm chấn' của thảm họa kép rúng động toàn thế giới
Bản đồ dự đoán lũ lụt dự kiến sẽ được phổ biến rộng rãi tới người dân tại 4 quốc gia Đông Nam Á.
Siêu cường châu Á sẽ cung cấp bản đồ dự đoán lũ lụt cho Việt Nam
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch của Nhật Bản đã công bố bản đồ dự báo lũ lụt tại nhiều vùng khác nhau trên lãnh thổ quốc gia này, hiển thị tần suất và mức độ ngập do lũ lụt gây ra sau mỗi khoảng thời gian như 10, 30, 50, 100 và 150, thậm chí là 200 năm, dựa trên dữ liệu thực tế thu thập được.
Thông tin này sẽ được sử dụng để sơ tán dân cư và quy hoạch đô thị một cách thuận tiện và hợp lý.
Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Campuchia là 4 quốc gia ở Đông Nam Á thường xuyên chịu ảnh hưởng của các trận lũ lụt nặng nề. Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất rằng, việc có các bản đồ tương tự sẽ hữu ích, thể hiện rõ ràng nguy cơ tại các khu vực cụ thể.
Vì các quốc gia ở Đông Nam Á hiện chưa có đủ dữ liệu thực địa, Nhật Bản sẽ tạo bản đồ cảnh báo lũ lụt cho từng khu vực nhất định dựa trên dữ liệu quan trắc thu thập được thông qua hệ thống Bản đồ lượng mưa vệ tinh toàn cầu (GSMaP) do Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và các tổ chức khác vận hành.
Trong năm tài chính 2023, Bộ Đất đai Nhật Bản đã thảo luận với 4 quốc gia này để chọn lựa các khu vực mục tiêu và dự kiến cung cấp phiên bản mẫu của bản đồ cho mỗi quốc gia vào cuối tài khóa 2025.
Bên cạnh việc chuẩn bị các hướng dẫn chi tiết về quy trình tạo bản đồ, Bộ Đất đai Nhật Bản cũng sẽ tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao năng lực nhân sự thông qua các chương trình huấn luyện.
Dự kiến các bản đồ này sẽ được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng dân cư ở mỗi quốc gia. Nhật Bản cũng đang xem xét việc cung cấp bản đồ cho các quốc gia khác.
Nhật Bản từng hứng chịu thảm họa kép kinh hoàng
Cách đây 13 năm, vào lúc 14 giờ 46 phút chiều ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh cường độ 9 đã xảy ra ở Đông Bắc Nhật Bản. Ngay sau đó, những đợt sóng thần khổng lồ lên đến 40m liên tục tấn công vào bờ biển, nhấn chìm nhiều thị trấn và làng mạc. Đó được xem là một trong những trận động đất và sóng thần mạnh nhất trong lịch sử loài người.
Đặc biệt, tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển, các cơn sóng thần đã làm hỏng hoàn toàn hệ thống làm mát của những thanh nhiên liệu hạt nhân, tạo ra một thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất từng có và khiến một số khu vực dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ.
Sự tàn phá này buộc hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ. Cho đến hiện tại, hơn 29.000 người vẫn chưa thể trở lại.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia, tính đến cuối tháng 2, tổng số người thiệt mạng do thảm họa là 15.900 người, trong khi có 2.520 người mất tích. Hầu hết nạn nhân đến từ các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate, theo Japan Times.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Tái thiết, tính đến cuối tháng 12/2023, số người tử vong do liên quan đến thảm họa, bao gồm bệnh tật hoặc tự tử do căng thẳng, là 3.802 người.
Mặc dù đã 13 năm trôi qua, nhưng hình ảnh những ngôi nhà đổ nát, những chiếc tàu bị cuốn trôi vào đất liền, và những con đường bị phá vỡ vẫn còn đọng lại trong tâm trí của người dân Nhật Bản, cùng với nỗi đau khó lòng có thể phai nhòa. Mặc dù nỗi đau vẫn còn đó, Chính phủ và nhân dân của quốc gia Đông Á này đã không ngừng nỗ lực để tái thiết quê hương và đã đạt được những kết quả đáng khâm phục.
Tổng hợp: Japan News, NHK World Japan, The Atlantic