Thế giới

Siêu cường lung lay: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối diện hàng loạt ‘cú sốc’?

Bạch Linh 19/07/2024 08:43

Kinh tế Đức được ví như “người bệnh của châu Âu” trong thời gian qua. Và câu hỏi đặt ra rằng: “Đây là căn bệnh tạm thời hay mãn tính?”.

“Cú sốc” thật sự đối với kinh tế Đức

Theo một bài viết đăng trên blog của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đức đang gặp khó khăn và là nền kinh tế duy nhất trong nhóm G7 bị suy giảm trong năm 2023; thậm chí kinh tế của siêu cường châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm nhất trong nhóm G7 vào năm nay.

Siêu cường lung lay: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối diện hàng loạt ‘cú sốc’? - ảnh 1
Đức đang gặp khó khăn và là nền kinh tế duy nhất trong nhóm G7 bị suy giảm trong năm 2023

Theo IMF, GDP bình quân đầu người của Đức đã giảm 1% trong giai đoạn 2019-2023. Đây là kết quả không mấy khả quan và xếp thứ 34 trong số 41 nền kinh tế thu nhập cao, chỉ tốt hơn Canada trong nhóm G7. Ngay cả Anh - giảm 0,2% và Pháp - tăng nhẹ 0,4% cũng làm tốt hơn Đức. Và mức tăng 6% của Mỹ là ở “đẳng cấp khác”.

Thời gian qua, kinh tế Đức được ví như “người bệnh của châu Âu”. Câu hỏi đặt ra rằng: “Đây là căn bệnh tạm thời hay mãn tính?”. Có nhiều lý do để tin rằng đây chủ yếu là vấn đề tạm thời.

Như bài viết trên blog lưu ý, tỷ lệ trao đổi (terms of trade - được tính bằng cách chia giá xuất khẩu cho giá nhập khẩu và nhân kết quả với 100) của Đức đã thấp hơn đáng kể sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra khiến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt.

Tuy nhiên, tỷ lệ trao đổi đã quay trở lại mức năm 2018 khi giá khí đốt tự nhiên giảm. Đồng thời, tình trạng lạm phát tăng cao đi kèm cũng giảm bớt và chính sách tiền tệ của ECB bắt đầu nới lỏng.

Cuối cùng, sự tái cân bằng của nhu cầu toàn thế giới hậu đại dịch Covid-19 - chuyển dịch từ hàng hóa sản xuất sang dịch vụ - vốn không thuận lợi cho nền kinh tế Đức, được dự báo sẽ đảo ngược.

IMF cũng chỉ ra, những lo ngại về tương lai lâu dài của ngành công nghiệp Đức có phần phóng đại. Đúng là các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều năng lượng đã có phần thu hẹp, nhưng chúng chỉ chiếm 4% nền kinh tế. Ngược lại, sản xuất ô tô tăng 11% trong năm 2023 và xuất khẩu xe điện tăng 60%. Hơn nữa, IMF cho biết thêm rằng giá trị gia tăng sản xuất vẫn ổn định ngay cả khi sản xuất công nghiệp giảm.

Theo Dự báo đồng thuận tháng 7, tốc độ tăng trưởng của Đức dự kiến chỉ ở mức 0,2% vào năm 2024. Tuy nhiên, con số này được dự báo sẽ đạt 1,1% vào năm 2025.

Dẫu vậy, nếu đây là mức bình thường mới thì nó đang ở mức không hề “khả quan”. Chính xu hướng dài hạn này mới là vấn đề lớn cần lưu ý, chứ không phải những cú sốc gần đây.

>> 'Theo chân' Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu sẽ áp dụng T+1

Nền kinh tế Đức phải đối mặt với 5 thách thức

Đầu tiên, tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động của Đức (những người trong độ tuổi 15-64 tuổi) dự kiến giảm 0,66 điểm phần trăm trong giai đoạn 2025-2029 so với giai đoạn 2019-2023. Đây là mức giảm lớn nhất trong nhóm G7.

Siêu cường lung lay: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối diện hàng loạt ‘cú sốc’? - ảnh 2
Tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động của Đức (những người trong độ tuổi 15-64 tuổi) dự kiến giảm 0,66 điểm phần trăm trong giai đoạn 2025-2029 so với giai đoạn 2019-2023

Thứ hai, tỷ trọng tổng đầu tư công trong GDP giai đoạn 2018-2022 là 2,5%, mức thấp nhất trong số các quốc gia thu nhập cao, chỉ cao hơn Tây Ban Nha. Thậm chí còn thấp hơn cả con số 3% không mấy tốt của Anh.

Siêu cường lung lay: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối diện hàng loạt ‘cú sốc’? - ảnh 3
Tỷ trọng tổng đầu tư công trong GDP giai đoạn 2018-2022 là 2,5%, mức thấp nhất trong số các quốc gia thu nhập cao

Thứ ba, GDP bình quân đầu người của Đức (theo sức mua tương đương) đã giảm từ 89% xuống 80% vào năm 2023. Đây là mức giảm đáng kể nhất trong số bất kỳ thành viên G7 nào trong giai đoạn đó.

Siêu cường lung lay: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối diện hàng loạt ‘cú sốc’? - ảnh 4
GDP bình quân đầu người của Đức (theo sức mua tương đương) đã giảm từ 89% xuống 80% vào năm 2023

Thứ tư, Đức tiếp tục đóng vai trò không mấy nổi bật trong lĩnh vực kinh tế số. Đây là một vấn đề đáng lo ngại bởi Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Sự “giậm chân tại chỗ” của họ trong lĩnh vực này có khả năng ảnh hưởng tới cả EU.

Cuối cùng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên phân mảnh. Điều này sẽ có tác động đặc biệt đến nền kinh tế của Đức, vốn phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế.

Đây là những trở ngại đáng kể, cần được xem xét và giải quyết. Tuy nhiên, không có vấn đề nào trong số này là quá bất ngờ.

Theo đó, một số giải pháp được cho là hữu ích gồm có sự cởi mở đối với người nhập cư, lược bỏ các thủ tục hành chính quá cũ, thiết lập một thị trường đơn nhất châu Âu, một liên minh thị trường vốn năng động và hội nhập.

Quan điểm “bài trừ” nợ của Đức “không ổn”

Đáng chú ý, có một yếu tố khác gần như không bao giờ được coi là vấn đề ở Đức, đó là thặng dư tiết kiệm khổng lồ của họ, vốn đã hỗ trợ cho thặng dư tài khoản vãng lai lớn.

Nhiều nhà kinh tế học Đức coi đây là bằng chứng cho khả năng cạnh tranh quốc tế của Đức và nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia khác, đặc biệt là trong Eurozone, nên noi theo. Nhưng đây là một quan điểm sai lầm, theo bài viết trên blog thuộc IMF.

Lý do đầu tiên là không phải quốc gia nào cũng có thể noi theo mô hình của Đức. Trên toàn cầu, tiết kiệm và đầu tư cần phải phù hợp và cân bằng. Do đó, nếu một nền kinh tế tiết kiệm nhiều hơn mức đầu tư thì các nền kinh tế khác phải bù đắp chỗ hổng. Điều này sẽ được thể hiện qua việc tích lũy các khoản nợ của các quốc gia thâm hụt, chủ yếu dưới dạng nợ công.

Quan điểm “bài trừ” nợ của Đức là không ổn. Thặng dư của Đức phải được cân bằng bởi thâm hụt và nợ của các quốc gia khác.

Siêu cường lung lay: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối diện hàng loạt ‘cú sốc’? - ảnh 5
Quan điểm “bài trừ” nợ của Đức là không ổn. Thặng dư của Đức phải được cân bằng bởi thâm hụt và nợ của các quốc gia khác

Hơn nữa, những lời kêu gọi các thành viên Eurozone giảm thâm hụt ngân sách sẽ chỉ có tác dụng nếu thặng dư tài khoản vãng lai của Eurozone tăng cao hơn nữa, hoặc khu vực tư nhân ở các nước khác (ví dụ như Pháp) buộc phải thâm hụt.

Điều nguy hiểm là các điều chỉnh này sẽ bị coi là chính sách "làm hại láng giềng" do thặng dư của Đức gây ra. Điều này đã từng xảy ra với Eurozone ở mức độ “khó thể tưởng tượng” trong những năm 2010. Tình trạng đó không được phép lặp lại, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị phức tạp như hiện nay.

Lý do thứ hai là tồn tại một giải pháp nội bộ đơn giản. Đó là, Đức nên sử dụng nhiều hơn khoản tiết kiệm thặng dư của mình ở trong nước.

Cách rõ ràng nhất để đạt được điều này là tăng mức đầu tư công vốn đang ở mức cực thấp. Chính phủ Đức, một trong những Chính phủ có uy tín tín dụng hàng đầu thế giới, hoàn toàn có thể vay tiền từ chính người dân – những người tin tưởng họ nhất – để đầu tư nhiều hơn vào thị trường nội địa.

Một chương về "Đầu tư công ở Đức" trong một cuốn sách gần đây về đầu tư công châu Âu lưu ý rằng đầu tư công ròng của Đức đã gần bằng 0 kể từ đầu thế kỷ này. Do đó, tỷ lệ vốn công trên GDP liên tục giảm.

Thật sự không có ý nghĩa khi một quốc gia có lượng tiết kiệm thặng dư khổng lồ trong khu vực tư nhân lại không sử dụng chúng cho đầu tư trong nước, từ đó tạo ra nguồn cung mạnh mẽ hơn cũng như cả nhu cầu mà Đức và Eurozone sẽ cần. Những vấn đề ngắn hạn của Đức sẽ qua đi. Nhưng những vấn đề dài hạn của họ sẽ còn thách thức hơn.

Theo Financial Times

>> Siêu cường lung lay: Nền kinh tế hàng đầu châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái

Siêu tuabin gió mạnh nhất thế giới đặt chân đến Đức, mở ra cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo

Hãng xe Đức tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ mỗi năm nhờ cấm các sếp lớn xài ‘ké’ xe công ty

Theo Kinh tế Đô Thị
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/sieu-cuong-lung-lay-nen-kinh-te-lon-nhat-chau-au-dang-doi-dien-hang-loat-cu-soc-124289.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Siêu cường lung lay: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối diện hàng loạt ‘cú sốc’?
POWERED BY ONECMS & INTECH