Siêu cường lung lay: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái, lạm phát tăng cao
Kinh tế Đức bất ngờ suy giảm trong quý II/2024 sau khi tránh được suy thoái vào đầu năm. Trong khi đó lạm phát tăng khá mạnh trong tháng 7, cho thấy những khó khăn vẫn đang đè nặng nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro.
Văn phòng Thống kê Đức hôm 30/7 thông báo GDP quý II của nước này giảm 0,1% so với quý trước đó. Số liệu này ngược với dự báo tăng trưởng 0,1% của giới phân tích.
Năm ngoái, Đức là nền kinh tế lớn hoạt động kém hiệu quả nhất, với tổng sản phẩm quốc nội giảm 0,3%, và gần như rơi vào suy thoái vào đầu năm 2024. Nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của nhiều khó khăn theo chu kỳ và cả những điểm yếu trong cấu trúc.
Trong quý II/2024, Đức lại tụt hậu so với các nước cùng khu vực và sự khác biệt về tăng trưởng đã mở rộng hơn.Trong khi nền kinh tế Đức suy giảm, Pháp và Tây Ban Nha lại có kết quả tốt hơn mong đợi và Ý giữ vững được đà tăng trưởng. Nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng 0,3% trong quý II, theo dữ liệu được công bố vào thứ Ba (30/7).
"Trong khi dữ liệu của Đức cho thấy tình trạng đình lạm thì khu vực đồng euro nói chung lại cho thấy một bức tranh về sự phục hồi tương đối vững chắc nhưng có khả năng đang mờ nhạt dần bởi lạm phát cứng đầu", Carsten Brzeski, Giám đốc toàn cầu về vĩ mô tại ING, cho biết.
Tăng trưởng kinh tế của Đức sụt giảm do đầu tư và xây dựng đi xuống. "Kinh tế Đức đang mắc kẹt trong khủng hoảng. Quý III cũng có rất ít hy vọng cải thiện", Klaus Wohlrabe - Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo tại Munich nhận định.
Số liệu sản xuất và niềm tin doanh nghiệp trong tháng 7 cũng chỉ ra nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang gặp rắc rối, khi lĩnh vực sản xuất liên tục yếu đi.
Lạm phát tại Đức cũng tăng trở lại, lên 2,6% trong tháng 7. Tốc độ này cao hơn dự báo và nhỉnh hơn tháng 6. Giới phân tích cho rằng lạm phát tại Đức khó lùi về mục tiêu 2%.
Dữ liệu về lạm phát của khu vực đồng euro sẽ được công bố vào thứ Tư (1/8), làm sáng tỏ khả năng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tháng 9, khi thị trường dự đoán sẽ có một đợt cắt giảm nữa vào cuối năm.
"Lạm phát cao dai dẳng khiến nhà đầu tư ngờ vực khả năng ECB giảm lãi suất", Carsten Brzeski - Giám đốc Vĩ mô tại ngân hàng ING cho biết.
Lạm phát tại Đức chủ yếu do lĩnh vực dịch vụ. Nếu không tính giá lương thực và nhiên liệu, lạm phát lõi của nước này là 2,9% trong tháng 7, giữ nguyên so với tháng trước đó.
"Tình hình này khó có thể thay đổi sớm. Lạm phát của Đức vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% trong vài tháng tới", Ralph Solveen - nhà kinh tế học tại Commerzbank nhận định.
Capital Economics cho biết họ vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong cuộc họp vào tháng 9. "Tuy nhiên, điều này có vẻ như sẽ rất khó khăn và sẽ phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát tháng 8", Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics cho biết.
Theo Reuters
>> Siêu cường lung lay: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối diện hàng loạt ‘cú sốc’?