Thế giới

Siêu cường lung lay: Pháp trên bờ vực khủng hoảng tài chính, đe dọa kéo sụp cả khu vực đồng euro

Quỳnh Vân 17/06/2024 - 20:30

Tổng thống Pháp Macron có thể đang châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nợ mới ở khu vực đồng euro.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã kêu gọi một cuộc bầu cử sớm sau kết quả thảm khốc trong các cuộc thăm dò ở châu Âu.

Tuy nhiên, khi mọi thứ lắng xuống, các chuyên gia nhận xét rằng dù kế hoạch của ông có là gì đi nữa thì nó cũng đã phản tác dụng.

Với lợi suất từ ​​các khoản nợ khổng lồ của Pháp tăng lên và thị trường chứng khoán lao dốc, ông Macron đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro và có khả năng sẽ không thể giải quyết nó.

Khủng hoảng tài chính Pháp: 'Cú domino' đầu tiên cho sự sụp đổ của khu vực Eurozone?
Tính toán sai lầm nghiêm trọng của ông Macron có thể khiến châu Âu phải trả giá đắt. Ảnh: AFP

Trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, đảng Phục hưng của Tổng thống Macron chỉ giành được 14,6% số phiếu bầu, trong khi đảng Mặt trận Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen chiếm được hơn 30%. Ông Macron hiện đã kêu gọi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, diễn ra qua 2 vòng, với vòng bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 7/7.

Nhiều người dự đoán rằng khả năng cao ông sẽ thua, với các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Mặt trận Quốc gia đang đứng thứ nhất trong khi đảng Cánh tả thống nhất ở vị trí thứ 2, còn phe của ông Macron tụt xuống hạng 3.

Các chuyên gia nhận định rằng nền chính trị Pháp thường hỗn loạn và thứ hạng các đảng phái hay lên xuống. Nhưng lần này, điều đáng lo ngại nhất là phản ứng của thị trường tài chính - vốn thường tách biệt khỏi những “trò tai quái” chính trị.

Telegraph UK đưa tin, vào sáng ngày 17/6, trái phiếu và cổ phiếu của quốc gia châu Âu này đã sụt giảm liên tiếp.

Khoảng cách giữa trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp và Đức, thước đo rủi ro chính của đất nước, chứng kiến ​​mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2011 - ngay thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Khủng hoảng tài chính Pháp: 'Cú domino' đầu tiên cho sự sụp đổ của khu vực Eurozone?
Chi phí đi vay của Pháp hiện ngang bằng với Bồ Đào Nha. Nguồn: Telegraph UK

Chỉ số CAC-40 nhanh chóng giảm 6% ngay cả khi chứng khoán toàn cầu đạt mức cao mới và thị trường giảm thêm 2,4% vào cuối tuần trước.

Theo Telegraph UK, cổ phiếu của các ngân hàng như Société Générale giảm hơn 5% vào đầu tuần này, đồng euro cũng giảm so với đồng USD và chạm mức thấp nhất trong một tháng. Đồng thời cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2022.

Sự hoảng loạn vẫn chưa xảy ra, nhưng các nhà đầu tư đang bắt đầu rút lui dần.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng nợ ở Pháp đã âm ỉ trong nhiều năm. Xếp hạng tín dụng của nước này bị hạ cấp 2 lần trong 6 tháng qua. Trong khi đó, tổng gánh nặng nợ tăng vọt lên 112% GDP.

Hiện Pháp đang đứng thứ 3 trên thế giới về tổng nợ tồn đọng, chỉ sau Nhật Bản và Mỹ, cả 2 đều là những nền kinh tế lớn hơn và cũng có đồng tiền riêng. Ngay cả khi nền kinh tế khu vực đồng euro đang phục hồi sau đại dịch, thâm hụt ngân sách năm nay của Pháp vẫn ở mức 5,1% GDP - vượt xa mức dự báo.

Thêm vào đó, nền kinh tế nước này đã chững lại, với mức tăng trưởng chỉ 0,2% trong quý gần nhất, chưa bằng một nửa mức tăng trưởng ở Anh.

Các cơ quan xếp hạng không có nhiều niềm tin vào khả năng Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire có thể thực hiện việc cắt giảm chi tiêu trị giá 20 tỷ euro (17 tỷ đồng) như đã hứa.

Khủng hoảng tài chính Pháp: 'Cú domino' đầu tiên cho sự sụp đổ của khu vực Eurozone?
Tổng nợ của Pháp đã tăng vọt. Nguồn: IMF

Mặt khác, đảng RN - có vẻ sẽ thành lập Chính phủ tiếp theo - đã cam kết hạ tuổi nghỉ hưu trở lại (thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của châu Âu), dựng lên các rào cản đối với hàng nhập khẩu (tương đương với việc đánh thuế người tiêu dùng Pháp) và cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng.

Trong quá khứ, Pháp từng có ý định rời bỏ đồng euro, một động thái có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế về lâu dài nhưng sẽ là thảm họa đối với các nhà đầu tư.

Nhiều nhà phân tích, cùng với Bộ trưởng Tài chính, đang cảnh báo về một “phát súng Liz Truss” - đề cập đến cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu cuối cùng đã dẫn đến việc bà Truss phải rời khỏi vị trí Thủ tướng Anh vào năm 2022.

Nhưng tình hình có thể còn tồi tệ hơn thế. Trong khi bà Truss nhanh chóng được thay thế, một số cho rằng một Chính phủ RN mới đắc cử sẽ khó bị lật đổ hơn.

Có lẽ với một cuộc đàn áp hà khắc đối với các nhà đầu cơ, hoặc với yêu cầu Ngân hàng Trung ương Châu Âu bước vào thị trường với một chương trình mua trái phiếu quy mô lớn – thậm chí có nguy cơ gây ra một đợt lạm phát mới.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng tiềm tăng, chuyên gia tài chính Matthew Lynn nhận định, dù họ có đưa ra biện pháp nào đi nữa thì có một điều chắc chắn rằng sẽ không có kết quả tốt đẹp nào.

Trong một thời gian quá lâu, Pháp đã sống sót vượt quá khả năng của mình nhiều hơn Anh và các nước châu Âu khác, gánh những khoản nợ khổng lồ để trợ cấp cho một nền kinh tế nơi vai trò của Nhà nước quá lớn và phúc lợi quá hào phóng.

Cuộc khủng hoảng bây giờ có vẻ như sẽ đến rất sớm, các nhà phân tích dự đoán. Tổng thống Macron đang châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nợ mới ở khu vực đồng euro.

Một cuộc khủng hoảng được cho là sẽ sánh ngang – thậm chí có thể vượt qua – sự hỗn loạn ở Hy Lạp năm 2011 và 2012.

>> Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp Macron giảm mạnh

Đồng minh Mỹ gây sốc khiến thỏa thuận 50 năm sụp đổ, đồng USD bị đe dọa nghiêm trọng

Siêu cường ‘đụng độ’: Mỹ tung trừng phạt ‘áp sát’ Nga, Moscow lập tức phản ứng rắn tạm dừng mọi giao dịch bằng đồng USD và đồng Euro

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sieu-cuong-lung-lay-phap-tren-bo-vuc-khung-hoang-tai-chinh-de-doa-keo-sup-ca-khu-vuc-dong-euro-238998.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Siêu cường lung lay: Pháp trên bờ vực khủng hoảng tài chính, đe dọa kéo sụp cả khu vực đồng euro
POWERED BY ONECMS & INTECH