Siêu cường số 1 thế giới lên kế hoạch đánh chìm con tàu lịch sử để tạo rạn san hô nhân tạo lớn nhất hành tinh
Con tàu này được chế tạo vào năm 1952, có chiều dài khoảng 300m, dài hơn Titanic 30m.
Hạt Okaloosa, bang Florida, Mỹ đã ký một thỏa thuận sơ bộ để đánh chìm tàu SS United States và biến nó thành rạn san hô nhân tạo lớn nhất thế giới. Động thái này được thực hiện sau nhiều năm không rõ về tương lai của con tàu, mang đến cơ hội bảo tồn di sản theo một hình thức mới dưới nước.
Thỏa thuận này đã được các quan chức hạt Okaloosa phê duyệt, với điều kiện phải giải quyết vụ hòa giải theo lệnh tòa liên quan đến các vấn đề pháp lý về tiền thuê và phí neo đậu chưa thanh toán.
SS United States được chế tạo vào năm 1952, có chiều dài khoảng 300m, dài hơn Titanic 30m và từng là tàu chở khách lớn nhất ở Mỹ. Con tàu lập kỷ lục với tốc độ đáng kinh ngạc khi vượt Đại Tây Dương ngay trong chuyến đi đầu tiên.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư hải quân nổi tiếng William Francis Gibbs, SS United States sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thời đó. Chính phủ Mỹ đã tài trợ mạnh mẽ cho quá trình đóng tàu, với ý định chuyển đổi nó thành tàu vận tải quân sự khi cần thiết.
Các đặc điểm về tốc độ và tính an toàn cao của SS United States được thừa hưởng từ thiết kế tàu quân sự, khiến nó trở thành một trong những tàu an toàn và nhanh nhất thời đó. Đặc biệt, con tàu không sử dụng gỗ trong khu vực hành khách nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ theo yêu cầu của Gibbs.
Sự phát triển của ngành hàng không cùng nhiều yếu tố khác đã khiến SS United States phải "nghỉ hưu" vào năm 1969, chỉ sau 17 năm hoạt động. Một số chủ sở hữu đã cố gắng chuyển đổi con tàu thành bảo tàng hoặc điểm tham quan du lịch nhưng đều không thành công, khiến nó bị bỏ hoang suốt nhiều thập kỷ.
Giải pháp đề xuất là chủ động đánh chìm tàu SS United States, biến nó thành một rạn san hô nhân tạo ngoài khơi bờ biển Florida. Đây được xem là cơ hội để bảo tồn di sản của con tàu một cách có lợi cho cả môi trường và kinh tế địa phương.
Với vai trò mới này, con tàu có thể trở thành điểm thu hút cho hoạt động lặn biển và đánh cá, mang lại hàng triệu USD mỗi năm cho ngành du lịch địa phương. Các cửa hàng lặn, dịch vụ cho thuê thuyền, khách sạn và doanh nghiệp khác có thể sẽ thu hút nhiều du khách hơn, đặc biệt là những người muốn khám phá con tàu lịch sử dưới nước.
Ngoài lợi ích kinh tế, việc biến con tàu thành rạn san hô nhân tạo còn tạo môi trường sinh sống và sinh sản cho nhiều loài sinh vật biển, góp phần tăng cường đa dạng sinh học và cải thiện sức khỏe của hệ sinh thái biển. Khi chìm xuống, SS United States sẽ trở thành một phần trong mạng lưới hơn 500 rạn san hô nhân tạo đã có trong khu vực.
Với cấu trúc khổng lồ, con tàu sẽ thu hút nhiều loài cá, san hô và sinh vật biển khác, biến nơi này thành một hệ sinh thái dưới nước trù phú.
Mặc dù dự án mang lại nhiều triển vọng, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Chi phí ước tính để làm sạch, vận chuyển và đánh chìm con tàu có thể vượt quá 10 triệu USD.
Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị và đánh chìm SS United States để biến nó thành một rạn san hô tái sử dụng dự kiến sẽ mất ít nhất một năm rưỡi. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, con tàu có thể trở thành rạn san hô vào khoảng năm 2025-2026.
Đây cũng sẽ là lần đầu tiên một tàu biển loại này được đánh chìm có chủ đích để tạo ra một rạn san hô nhân tạo.
>> Siêu cường số 1 thế giới hoàn tất dự án phá dỡ đập thủy điện lớn nhất lịch sử