Theo kế hoạch, dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h; thời gian thực hiện từ năm 2023-2027.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định về việc thành lập hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Theo đó, thành lập hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ tịch hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải; Tư pháp; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định liên ngành.
Cuối năm ngoái, Thay mặt Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 60,9km. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định dài 27,6km; đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3km. Dự án sẽ sử dụng khoảng 522,63ha đất (251,15ha của tỉnh Nam Định, 271,48ha của tỉnh Thái Bình).
Điểm đầu dự án tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng; điểm cuối tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Dự án được đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h; thời gian thực hiện từ năm 2023-2027.
Dự án này do Tập đoàn Geleximco đề xuất đầu tư, với tổng mức đầu tư sơ bộ của là 18.927,63 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay), tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 19.784,55 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn của dự án bao gồm: nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm 52,8% tổng vốn (10.447,56 tỷ đồng); Nhà nước tham gia 47,2% tổng vốn (9.337 tỷ đồng).
Trong tổng vốn Nhà nước, vốn ngân sách Trung ương bố trí 6.200 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Thái Bình bố trí 1.462 tỷ đồng (tương ứng với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh Thái Bình); vốn ngân sách tỉnh Nam Định bố trí 1.675 tỷ đồng (tương ứng với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh Nam Định).
Tập đoàn Geleximco, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 3 tỷ đồng. Đến năm 2019, Geleximco đã tăng vốn điều lệ lên 9.600 tỷ đồng.
Tập đoàn này hiện hoạt động với 5 lĩnh vực chính gồm: sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao.
>> Giá biệt thự, nhà liền kề tại ‘phố cảng’ Hải Phòng bất ngờ chạm mốc hơn 120 triệu đồng/m2