Câu chuyện đầu tư

Hòa Phát (HPG): 3 năm ấp ủ tham vọng sản xuất thép ray đường sắt tốc độ cao, món quà ‘phút khai màn' có tạo nên kỳ tích?

Ánh Nguyệt 13/11/2024 07:00

Hòa Phát (HPG) đang triển khai các bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa tham vọng sản xuất thép cho tuyến đường sắt tốc độ cao gần 70 tỷ USD.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á và thuộc Top 50 thế giới với công suất đạt 8,5 triệu tấn/năm. Trong tham vọng đứng đầu thị trường thép, Hòa Phát đang chuyển hướng nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng sản xuất ô tô, đóng tàu, quân sự, thép chế tạo mà chưa phổ biến tại Việt Nam.

Trong buổi chia sẻ với Vietnamnet, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đã nghiên cứu sản phẩm thanh ray trong 3 năm trở lại đây. Mặc dù thị trường thép ray vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam song với tiềm lực và những nghiên cứu phát triển không ngừng, Hòa Phát đang đứng trước cơ hội "có một không hai" khi tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định vị thế trong ngành thép, mà còn là bước đột phá quan trọng để góp phần vào sự phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam.

Bước đi nhỏ cho tham vọng lớn

Quay về 3 năm trước, vào năm 2021, Hòa Phát đã có bước tiến lớn khi chính thức đưa vào sản xuất toàn bộ Khu liên hiệp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 vào quý I. Tại đây, Hòa Phát cũng cho ra lò những cuộn thép cán nóng đầu tiên giúp hoàn thiện chuỗi sản xuất cũng như tạo cầu nối cho tham vọng sản xuất thép chất lượng cao.

Tiếp nối thành công, quý II/2022, Tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long tiếp tục triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. Nhà máy này còn được trang bị dây chuyền hiện đại, đặc biệt là lò tinh luyện xử lý tạp chất, khử khí và xử lý chân không, qua đó đáp ứng cho nhu cầu sản xuất các dòng thép chất lượng cao.

Tính đến thời điểm tháng 9/2024, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Theo chia sẻ từ Chủ tịch Trần Đình Long tại ĐHĐCĐ năm 2024, đây cũng là thời điểm Tập đoàn bắt đầu thử nghiệm sản xuất thanh ray đầu tiên phục vụ tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, Hòa Phát hiện đang nghiên cứu và đề xuất phương án sản xuất thanh ray cho tuyến đường sắt tốc độ cao tại nhà máy luyện kim ở Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dự án Dung Quất 2. Đề xuất này bao gồm việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt dài khoảng 12km kết nối trực tiếp nhà máy với tuyến Bắc - Nam, nhằm tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn với chi phí logistics hiệu quả.

Theo đó, nhà máy dự kiến sẽ sản xuất thanh ray có chiều dài từ 50m đến 100m và vận chuyển bằng đường sắt thay vì đường bộ. Đây là bước tiến chiến lược giúp Hòa Phát có nhiều lợi thế khi tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

>> Hòa Phát (HPG) sẽ vận hành chính thức dự án Dung Quất 2 tổng vốn 85.000 tỷ đồng vào tháng 12/2024

Hòa Phát (HPG): 3 năm ‘lên nòng’ cho tham vọng sản xuất thép ray đường sắt tốc độ cao, món quà ‘phút 90’ có làm nên kỳ tích?
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tiến hành thử nghiệm sản xuất thanh ray đầu tiên phục vụ tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam tại dự án Dung Quất 2 (Quảng Ngãi)

Thanh ray trên tuyến đường sắt tốc độ 350km/h có làm khó Hòa Phát?

Theo đề án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án sẽ được đầu tư với tốc độ thiết kế 350km/h và tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD. Với tốc độ cao như vậy, việc sản xuất thanh ray cũng là một bài toán khó đối với doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam khi yêu cầu loại thép đặc biệt với độ bền cao, khả năng chịu mài mòn và chịu lực tác động lớn từ tàu di chuyển nhanh.

Nhìn sang thế giới, Voestalpine là một trong những nhà cung cấp hàng đầu cho ngành đường sắt cao tốc với hàng chục năm kinh nghiệm, nổi bật với thanh ray chất lượng cao sử dụng công nghệ xử lý nhiệt tiên tiến như HSH. Các sản phẩm của đơn vị này đã được sử dụng rộng rãi trên nhiều tuyến đường sắt cao tốc lớn, ví dụ như đường hầm Gotthard Base Tunnel dài 57km và Eurotunnel dài 50km, kết nối Pháp và Anh.

Ở Việt Nam, đặc biệt trong ngành thép và cơ khí, mặc dù chưa có kinh nghiệm trong sản xuất thép cho đường sắt tốc độ cao song nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những bước tiến dài cả về quy mô, sản lượng và công nghệ tương đương tầm cỡ thế giới hiện tại. Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định: “Ngành thép và cơ khí chế tạo của Việt Nam, đặc biệt là Hòa Phát, hoàn toàn có khả năng sản xuất hàng trăm ngàn thanh ray đạt chất lượng cao mỗi năm."

>> Bài toán khó của Hòa Phát (HPG) trong việc hiện thực hóa tham vọng sản xuất thép cho tuyến đường sắt gần 70 tỷ USD

Hòa Phát (HPG): 3 năm ‘lên nòng’ cho tham vọng sản xuất thép ray đường sắt tốc độ cao, món quà ‘phút 90’ có làm nên kỳ tích?
Hòa Phát tự tin cung cấp thép cho tuyến đường sắt tốc độ cao

Món quà “phút khai màn” có tạo nên kỳ tích?

Trong tờ trình gửi Quốc hội về đề án chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ đã đề xuất cơ chế đặc thù nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt được tham gia cung cấp sản phẩm, đồng thời yêu cầu chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam.

Với tiềm lực là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, Hòa Phát đang đứng trước cơ hội “có một không hai” để khẳng định vị thế của mình trong dự án có quy mô gần 70 tỷ USD. Chia sẻ với Vietnamnet, trong trường hợp trúng thầu, doanh nghiệp này cam kết cung cấp đủ 6 triệu tấn thép các loại cho dự án, bao gồm thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Đồng thời, Hòa Phát cam kết sẽ giao hàng đúng tiến độ và đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn so với thép nhập khẩu.

Việc Hòa Phát tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ khẳng định bước tiến quan trọng của doanh nghiệp, mà còn tạo cơ hội để nâng cao vị thế trong ngành thép Việt Nam. Với cam kết cung cấp thép chất lượng cao, HPG sẽ góp phần củng cố năng lực sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy ngành thép Việt và đóng góp vào những kỳ tích trong việc phát triển đất nước.

>> Căn cứ sản xuất thanh ray của Hòa Phát (HPG): Quy mô ngang ngửa dự án Dung Quất 2, tạo cầu nối cho tuyến đường sắt 67 tỷ USD

Tỷ phú Trần Đình Long cam kết Hòa Phát sẽ cung cấp 6 triệu tấn thép 'giá cạnh tranh' cho dự án đường sắt 70 tỷ USD

Hòa Phát (HPG) đón nhiều thuận lợi trong chu kỳ mới: Nhìn lại nửa thập kỷ tăng trưởng nhờ chống bán phá giá thép và Dự án Dung Quất

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-hpg-3-nam-ap-u-tham-vong-san-xuat-thep-ray-duong-sat-toc-do-cao-mon-qua-phut-khai-man-co-tao-nen-ky-tich-259712.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hòa Phát (HPG): 3 năm ấp ủ tham vọng sản xuất thép ray đường sắt tốc độ cao, món quà ‘phút khai màn' có tạo nên kỳ tích?
    POWERED BY ONECMS & INTECH