Đèo Cả, Vinaconex ráo riết chuẩn bị nguồn nhân lực, kiến tạo xây dựng mạng lưới đường sắt 6.350km
Nhiều ông lớn ngành xây dựng như Đèo Cả, Vinaconex... đang có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để đón đầu cơ hội từ các dự án đường sắt.
Vào ngày 18/12/2024, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Đây là bước đi quan trọng của hai bên nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tại đây, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex, chia sẻ ngành giao thông vận tải đang có những bước tiến đáng kể trong bối cảnh đất nước phát triển mạnh mẽ. VCG nhận thức rằng việc đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để hướng đến sự tăng trưởng bền vững. Hiện doanh nghiệp cũng chủ động nghiên cứu các công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước, chuẩn bị đầy đủ về tài chính và trang thiết bị máy móc để đón đầu cơ hội từ các dự án hạ tầng giao thông lớn.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, ông Hải khẳng định, việc đầu tư vào phát triển đội ngũ kỹ sư chất lượng cao chính là ưu tiên hàng đầu của Vinaconex trong chiến lược lâu dài. Điều này không chỉ giúp công ty nắm bắt tốt cơ hội từ các dự án hạ tầng giao thông lớn mà còn thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc đóng góp vào sự phát triển hạ tầng giao thông của đất nước.
![]() |
Vinaconex "bắt tay" Trường Đại học Xây dựng Hà Nội để đào tạo nhân lực đón đầu các dự án đường sắt |
Trước đó, vào đầu năm 2024, Vinaconex cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) nhằm nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội. Nổi bật là đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc với vốn đầu tư sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng.
Song song đó, siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuyến đường sắt có chiều dài 1.541km với cơ cấu đặc thù bao gồm 60% cầu, 30% nền đất và 10% hầm, cùng tổng vốn đầu tư sơ bộ hơn 67 tỷ USD. Dự án này không chỉ mang lại khối lượng công việc lớn mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các nhà thầu xây dựng trong nước.
Không chỉ riêng Vinaconex, các doanh nghiệp xây dựng lớn khác như Đèo Cả cũng đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để đón đầu cơ hội từ các dự án đường sắt. Tập đoàn này lên kế hoạch đầu tư vào việc phát triển nhân lực, thiết bị và khả năng tiếp cận công nghệ mới.
Gần đây, Đèo Cả đã phối hợp với các trường đại học trong nước và thành lập Viện Đào tạo Nghiên cứu Đèo Cả nhằm xây dựng đội ngũ chuyên môn cao trong lĩnh vực đường sắt và metro. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tổ chức các đoàn nghiên cứu thực tiễn tại các quốc gia phát triển như Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Những chuyến đi này nhằm học hỏi công nghệ quản lý vận hành, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu và tìm kiếm công nghệ, thiết bị phù hợp với điều kiện và nhu cầu thị trường Việt Nam.
Theo định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, Chính phủ xác định nâng cấp tuyến đường sắt hiện có giữa Hà Nội và TP. HCM với tổng chiều dài khoảng 1.726km. Xa hơn, đến năm 2050, Việt Nam dự kiến hoàn thành mạng lưới đường sắt 25 tuyến với tổng chiều dài hơn 6.350km, trong đó bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
‘Ông lớn’ Nhật Bản bắt tay doanh nghiệp Việt Nam, đề xuất nghiên cứu đường sắt đô thị tại Bình Dương
Phó Thủ tướng đề nghị tập đoàn hàng đầu Trung Quốc tham gia các dự án đường sắt tại Việt Nam