Vĩ mô

'Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam 70 tỷ USD sẽ giúp GDP tăng 1-1,5% mỗi năm'

Khúc Văn 01/11/2024 15:11

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được triển khai sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện quá trình phát triển của kinh tế đất nước.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam (tốc độ dự kiến 350km/h). Tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ USD.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam khi được xây dựng và đưa vào khai thác sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn, cả về kinh tế, xã hội, môi trường…

2600-duong-sat-cao-toc
Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ giúp GDP tăng từ 1-1.5%

GDP sẽ tăng 1-1,5% mỗi năm

Bình luận về tác động của dự án này, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng dự án được thực hiện sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ và toàn quá trình phát triển của kinh tế đất nước.

“Không giống như những quốc gia khác khi hệ thống đường sắt tốc độ cao của họ đòi hỏi những đường ngang, dọc khác nhau, Việt Nam chỉ cần một tuyến đường sắt cao tốc như vậy cũng có thể mở ra những không gian tăng trưởng mới, nối các cực tăng trưởng lại với nhau như Hà Nội, TP. HCM, miền Trung…”, ông Bình nói.

Đây là lợi ích vô cùng lớn đối với GDP. Dự án này sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới toàn bộ nền kinh tế theo hướng tích cực.

“Theo tính toán, mỗi năm Chính phủ sẽ đầu tư khoảng 5,5-6 tỷ USD cho tuyến đường này và quá trình này kéo dài liên tục trong suốt 12 năm dự kiến thực hiện. Số vốn đầu tư này tương ứng mỗi năm sẽ đóng góp vào GDP thêm 1 -1,5 điểm %. Trong gần 70 tỷ USD vốn đầu tư, cấu phần xây dựng chiếm khoảng 33 tỷ USD sẽ tạo ra thị trường xây dựng rất lớn, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng, cung cấp nguyên vật liệu…”, ông Bình nói và phân tích.

Thứ hai, theo ông Bình khi dự án đi vào hoạt động sẽ nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, đặc biệt là năng suất lao động khi giảm thời gian đi lại. Thứ ba, dự án sẽ làm giảm chi phí hậu cần, hiện nay Việt Nam là nước có chi phí hậu cần lớn việc giảm chi phí hậu cần sẽ làm giảm chi phí môi trường kinh doanh đi nhiều.

Cùng với đó, ông Bình cũng cho rằng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cơ hội sẽ mở ra ngành phụ trợ cho ngành đường sắt.

“Từ đây, ngành công nghiệp phụ trợ đường sắt cũng sẽ có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc sau này. Tiếp đó, việc xây dựng tuyến đường này cũng tạo ra lượng việc làm lớn, từ đó góp phần gián tiếp vào giải quyết vấn đề việc làm, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Bình nói.

>>Thủ tướng yêu cầu có cơ chế đặc thù, đặc biệt với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Lo ngại khả năng mất cân bằng vốn

Tuy nhiên, theo ông Bình do đây là dự án lớn, nên việc thực hiện cũng gặp phải không ít những rủi ro. Trước tiên, rủi ro lớn nhất đó là công tác quản lý dự án, nhất là đối với dự án với quy mô lớn chưa từng có như thế này.

“Đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan quyền lực và quản lý nhà nước như Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành mà còn có sự vào cuộc của các địa phương, đặc biệt là các địa phương có tuyến đường sắt cao tốc chạy qua, ngoài ra còn có các doanh nghiệp, nhà thầu, người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Nếu chúng ta có biện pháp quản lý tốt, thực hiện một cách đầy đủ và quyết tâm cao thì những rủi ro này sẽ được giảm bớt trong quá trình triển khai dự án, không làm chậm tiến độ cũng như đội vốn dự án”, ông Bình phân tích.

Ngoài ra, với một dự án lớn và kéo dài trong nhiều năm, nguy cơ đội vốn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải về đường sắt cao tốc Bắc - Nam, một điều làm tôi hết sức phấn khích đó là chúng ta sẽ tự chủ nguồn vốn thực hiện dự án.

Do đó, ông Bình cho rằng yêu cầu nguồn vốn đầu tư công trung và dài hạn cho đường sắt cao tốc vào thời điểm đó sẽ chiếm từ 10-15% tổng nguồn vốn đầu tư công trung và dài hạn.

“Khả năng cân đối vốn bằng nguồn vốn đầu tư công là có, tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi sự linh hoạt ứng trong quá trình thu chi ngân sách và cân bằng nguồn vốn. Rủi ro tiếp nữa, Việt Nam là đất nước chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến đổi khí hậu và thiên tai”, ông Bình nói.

Để xây dựng thành công tuyến cao tốc này, ông Bình cho rằng việc huy động nguồn vốn trong dân cũng là vấn đề cần tính đến điều này không chỉ giúp giải quyết vấn đề cân đối vốn cho nền kinh tế mà còn giúp phát huy tính tự lực, tự cường của nền kinh tế.

“Sẽ có rất nhiều những cách làm mới, trong đó có mô hình TOD - mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông. Đây là mô hình được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Gần đây, một số tỉnh thành như Hà Nội và TP. HCM cũng đặt ra vấn đề này khi xây dựng đường sắt đô thị trong khu vực”, ông Bình nói.

Tựu trung lại, ông Bình cho rằng chúng ta có đủ tiềm lực, có kênh khả thi để khai thác vốn cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam vấn đề còn lại ở thời điểm hiện tại là quyết tâm thực hiện.

“Chúng ta phải thực hiện trong 10 - 15 năm, chuyển thành hành động cụ thể, từ việc trình chủ trường dự án, theo đúng tiến độ, quy hoạch rồi cắm đất rồi xác định lộ giới, hồ sơ chọn nhà thầu, chính sách chuẩn bị nguồn vốn”, ông Bình nhấn mạnh.

>>Nhiều tín hiệu tích cực, 3 tuyến đường sắt tốc độ cao nối Việt Nam với nước láng giềng hơn 20 tỷ USD sắp khởi công?

Những lưu ý khi triển khai thực hiện siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hơn 67 tỷ USD

Đường sắt tốc độ cao ở các nước chưa từng xảy ra tai nạn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sieu-du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-70-ty-usd-se-giup-gdp-tang-1-15-moi-nam-257006.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam 70 tỷ USD sẽ giúp GDP tăng 1-1,5% mỗi năm'
    POWERED BY ONECMS & INTECH