Những lưu ý khi triển khai thực hiện siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hơn 67 tỷ USD
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là một dự án quan trọng, đóng vai trò là bước ngoặt không chỉ cho hệ thống giao thông mà còn cho cả nền kinh tế của Việt Nam.
Mới đây, Đoàn công tác Quốc hội đã có chuyến khảo sát thực tế dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam qua các tỉnh từ Hà Nội đến Nam Định. Dẫn đầu đoàn công tác là ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tại buổi khảo sát, ông Thanh nhấn mạnh vai trò trọng yếu của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đồng thời ông yêu cầu làm rõ những nội dung sau: hướng tuyến và mô hình phát triển đô thị quanh nhà ga (TOD), vị trí đặt nhà ga sao cho hiệu quả về khai thác vận tải, kết nối với hạ tầng giao thông hiện có và các phương thức vận tải khác.
Ngoài ra, các đại biểu tại buổi làm việc cũng bày tỏ sự đồng tình với việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; đồng thời các đại biểu cũng đưa kiến nghị về một số cơ chế và chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy tiến độ của dự án như các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu xây dựng.
Trả lời các ý kiến của đại biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết đây là một dự án chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam nên cần phải tiến hành cẩn trọng, tham khảo ý kiến từ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các đại biểu và sẽ tiếp tục bổ sung, chi tiết hóa các vấn đề được góp ý.
Chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu thể hiện sự đồng tình với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. HCM khẳng định đây là một dự án quan trọng và việc đầu tư dự án này là cần thiết. Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh, đây là một dự án lớn nên cần chú ý đến khâu tổ chức thực hiện, lựa chọn nhà thầu, giám sát các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai dự án.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhấn mạnh rằng việc ưu tiên nguồn lực tài chính cho dự án này là điều cần thiết nhất. Đồng thời cần phải huy động nguồn lực, vật tư, máy móc và đặc biệt, từ lãnh đạo cao nhất đến những công nhân trực tiếp thi công trên công trường phải thể hiện được tinh thần quyết tâm. Nếu thực hiện được điều này, đại biểu Dũng tin rằng dự án sẽ về đích sớm hơn so với dự kiến năm 2035 theo kế hoạch đề ra.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. HCM bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương đầu tư dự án này. Đại biểu cho biết, thời gian trước đây chúng ta chưa có đủ điều kiện để xây dựng nhưng hiện nay Việt Nam đã có đủ tiềm lực, dư địa về ngân sách, dư địa nợ công, cũng như có đủ nền tảng khoa học công nghệ học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc triển khai dự án. Đặc biệt, dự án có sự mong đợi của Nhân dân nên ông nhấn mạnh, chúng ta phải tập trung làm và làm cho bằng được.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có độ dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm. Cả tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình 67km và 5 ga hàng với các đầu mối hàng hóa. Điểm khởi đầu của toàn tuyến là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.
>>Tại sao đường sắt tốc độ cao Bắc Nam không kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau?