Vĩ mô

Sẽ mời tư vấn quốc tế lập phương án khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Anh Trọng 30/10/2024 - 19:07

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ sẽ mời tư vấn quốc tế nghiên cứu một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng để lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm về chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết: Bất kỳ dự án đầu tư nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ GTVT đã trải qua thời gian nghiên cứu là 18 năm.

“Đến thời điểm hiện nay, trong quá trình nghiên cứu, lập 5 quy hoạch chuyên ngành, Bộ GTVT đã dự báo nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách trên trục Bắc-Nam là lớn nhất”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, qua nghiên cứu, xét về ưu thế thì cự ly trên 1.000 km thích hợp và là ưu thế của hàng không, còn cự ly dưới 1.000 km phải là phương thức vận tải đường sắt. Do vậy khoảng cách từ các tỉnh miền Trung ra đến Hà Nội cần có một tuyến đường sắt phù hợp với tình hình mới để phục vụ nhu cầu của người dân là hoàn toàn hợp lý.

Sẽ mời tư vấn quốc tế lập phương án khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam ảnh 1
Mô hình đường sắt tốc độ cao chạy trên địa hình Việt Nam được công nghệ AI dựng.

Cùng với đó, xét về điều kiện kinh tế, quy mô nền kinh tế của chúng ta đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng ở mức rất hợp lý khoảng 37% (năm 2023). Các điều kiện về nguồn lực của chúng ta cơ bản không phải là thách thức lớn.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đây là thời điểm thích hợp để trình Quốc hội xem xét, cho chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao.

Đề cập đến kịch bản triển khai dự án sau khi Quốc hội đã cho chủ trương thực hiện dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy thông tin: Bộ này sẽ triển khai ngay việc lựa chọn tư vấn quốc tế để nghiên cứu một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và kiến giải những vấn đề kỹ thuật cần thiết phải làm rõ.

Bộ cũng sẽ triển khai ngay chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị quản lý nhà nước, quản lý dự án cũng như quản lý quá trình vận hành khai thác; chuẩn bị tiền đề để triển khai công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức thực hiện đầu tư dự án.

Cần 14.000 nhân sự vận hành đường sắt tốc độ cao

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho biết, lực lượng lao động của ngành đường sắt hết sức quan tâm tới dự án. Hiện lực lượng nhân sự tại Tổng Cty Đường sắt là trên 22.000 người, đây là lực lượng chính, là tiền đề để thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, với vai trò quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao này.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải thực hiện ngay nhiệm vụ chuẩn bị tái cơ cấu để xây dựng một mô hình phù hợp với điều kiện quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao.

Cùng với đó, ông Khánh cho biết, Tổng Cty cũng đang chuẩn bị phát triển nguồn nhân lực cho quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao. Đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng với lực lượng lên tới gần 14.000 người. Hiện nay, đơn vị đang tổ chức triển khai bố trí lực lượng trong ngành để học tập tại các nước phát triển công nghiệp đường sắt.

Tổng Cty cũng đang chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực để chuẩn bị hợp tác, xây dựng các mô hình tổ chức cũng như cơ sở vật chất, sẵn sàng tiếp nhận khi được giao.

“Hiện nay, Tổng Cty đã định lượng, đưa ra các tổ, ban chỉ đạo trong đơn vị sẵn sàng cho việc tổ chức khai thác, quản lý vận hành. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy rằng đào tạo về lái máy cũng như điều khiển tự động, phải mất từ 5-8 năm.

Như vậy, nếu sử dụng lực lượng ở trong ngành đường sắt hiện hữu và đang có đủ khả năng, ngành đường sắt chỉ cần đào tạo từ 3-5 năm. Kinh phí để rút ngắn thời gian đào tạo cũng là một khoản kinh phí tiết kiệm cho dự án", ông Khánh nói.

Trên lĩnh vực phát triển công nghiệp đường sắt và khả năng tự chủ, ông Khánh cho biết, hiện nay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang có hai cơ sở chính tại Gia Lâm và Dĩ An. Tỉ lệ nội địa hóa hiện nay với đường sắt hiện hữu lên tới 70- 80%.

>>Đèo Cả đề xuất cơ chế chưa có tiền lệ cho tuyến đường sắt tốc độ cao gần 70 tỷ USD, Bộ GTVT nói gì?

>>

Đèo Cả đề xuất cơ chế chưa có tiền lệ cho tuyến đường sắt tốc độ cao gần 70 tỷ USD, Bộ GTVT nói gì?

Tỉnh được đặt tới 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ dôi dư hàng loạt trụ sở, hàng trăm cán bộ sau sáp nhập

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/se-moi-tu-van-quoc-te-lap-phuong-an-kha-thi-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post1687040.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sẽ mời tư vấn quốc tế lập phương án khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH