Thế giới

Siêu dự án nối liền hai đại dương từng khiến 5.600 người thiệt mạng nay trở thành 'huyết mạch' kinh tế toàn cầu, đóng góp 8% GDP mỗi năm

Thanh Lê 20/01/2025 21:36

Kênh đào Panama luôn là tâm điểm chú ý của cả thế giới.

Kênh đào Panama - một trong những kỳ tích kỹ thuật vĩ đại nhất của nhân loại - lại một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế sau lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc "yêu cầu phải trả lại Kênh đào cho Hoa Kỳ, toàn bộ, nhanh chóng và không cần thắc mắc", thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết.

df75aa61-ceb0-483e-82dc-cb1329a1b727.jpeg
Kênh đào Panama là một trong những kỳ tích kỹ thuật vĩ đại nhất của nhân loại

Kể từ khi khởi công xây dựng vào thế kỷ XIX, công trình này đã không ngừng thu hút sự quan tâm của thế giới, không chỉ bởi nó mở rộng ranh giới của những điều có thể, vượt qua các thách thức chính trị quốc tế, mà còn cách mạng hóa ngành giao thông vận tải toàn cầu.

Ngày nay, kênh đào đã trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất tại Panama, với lượng khách tham quan tăng vọt trong những năm gần đây.

Theo Ana Elizabeth González, Giám đốc điều hành kiêm giám tuyển chính của Bảo tàng Kênh đào Panama, đây là một siêu dự án kỹ thuật được xây dựng bởi mồ hôi, công sức và cả máu của hàng nghìn người từ 97 quốc tịch khác nhau.

"Chúng tôi không chỉ là cầu nối của thế giới mà còn là trái tim của vũ trụ, một điểm kết nối quốc tế dù chỉ trên một dải đất nhỏ bé", bà nhấn mạnh.

b88e4b3f-8667-47a1-99e5-77fe2c4da103.jpeg
Du khách xem tàu chở hàng Đan Mạch đi qua cửa Agua Clara của Kênh đào Panama

Theo González, năm 2024, khoảng 820.000 du khách đã đến Miraflores - trung tâm du khách chính của kênh đào - để chứng kiến hoạt động thương mại hàng hải sôi động. Con số này được dự báo sẽ còn tăng trong tương lai, với phần lớn là du khách đến từ Hoa Kỳ.

Vai trò quan trọng

Khoảng 5% thương mại toàn cầu chảy qua đoạn kênh dài 50 dặm (80 km) này mỗi năm, trong đó phần lớn là hàng hóa đi giữa Bờ Đông Hoa Kỳ và Châu Á. Đặc biệt, 40% container của Hoa Kỳ và hơn 70% hàng hóa đi qua kênh đào có điểm đến hoặc xuất phát từ nước này.

Được vận hành bởi Cơ quan quản lý kênh đào Panama (ACP), tuyến đường thủy này kết nối 170 quốc gia thông qua 1.920 cảng.

Trước khi kênh đào được khai thông vào năm 1914, các tàu thuyền phải đi vòng qua Mũi Horn ở Chile - một hành trình nguy hiểm đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 thủy thủ.

Và rồi kênh đào xuất hiện.

“Đất đai chia cắt, thế giới thống nhất” là khẩu hiệu từng xuất hiện trên con dấu của tuyến đường thủy này. Kể từ khi đi vào hoạt động, kênh đào đã phục vụ hơn 815.000 tàu thuyền, giúp rút ngắn thời gian di chuyển tới 5 tháng và khoảng cách tới 8.000 dặm (12.875 km).

Năm 2016, kênh đào đã hoàn thành dự án mở rộng trị giá hàng tỷ USD để có thể tiếp nhận tàu Neo Panamax - những tàu container và tàu chở hàng siêu lớn hiện đại. Với doanh thu khoảng 5 tỷ USD trong năm 2024, đóng góp gần 8% GDP của Panama, kênh đào thực sự là "mỏ vàng" của quốc gia này, như lời Luis Pinto Rios, hướng dẫn viên của Panama Canal Tours chia sẻ.

Lịch sử của kênh đào Panama

Ý tưởng xây dựng kênh đào xuất hiện từ thế kỷ XVI, khi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha khảo sát các tuyến đường dọc theo Sông Chagres và cho rằng không có con đường nào là không thể.

aa4d3603-1727-4107-8942-dd87a553ba6c.jpeg
Hình ảnh những người đàn ông đang làm việc tại công trình xây dựng Kênh đào Panama vào năm 1913

Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm đến dự án này vào thời điểm 'Cơn sốt vàng' giữa những năm 1800, khi người dân tìm kiếm con đường nhanh hơn để đến California. Các kỹ sư người Pháp, dẫn đầu bởi những người từng phát triển Kênh đào Suez, đã tiên phong khởi công xây dựng vào năm 1881 với sự tham gia của Gustave Eiffel - người nổi tiếng với công trình Tháp Eiffel.

Tuy nhiên, nỗ lực của người Pháp đã thất bại do thiệt hại nặng nề về nhân mạng với hơn 22.000 người chết vì bệnh tật và tai nạn, cùng với khó khăn tài chính và tham nhũng.

Đầu những năm 1900, Hoa Kỳ đã mua lại quyền sở hữu từ Pháp và hỗ trợ cuộc nổi dậy dẫn đến sự ra đời của Cộng hòa Panama năm 1903, tách khỏi Colombia.

Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla được ký kết cùng năm đó, cho phép Hoa Kỳ kiểm soát một dải đất rộng 10 dặm, dài 50 dặm để xây dựng kênh đào. Dải đất này được gọi là Khu vực kênh đào.

f6a2338e-6994-4cf8-97ff-b971960a541c.jpeg
Công nhân kênh đào Panama đi bộ qua các cửa Miraflores

Dự án này tiêu tốn rất nhiều chi phí về con người và tài chính: ước tính có khoảng 5.600 người đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng, và Hoa Kỳ đã chi khoảng 375 triệu USD, đây là dự án xây dựng tốn kém nhất trong lịch sử đất nước vào thời điểm đó.

Hoàn thành vào năm 1914, lễ khánh thành kênh đào đã bị hủy bỏ vì Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, với chuyến tàu đầu tiên đi qua khá im ắng. Dù không được sử dụng nhiều trong thời gian này, nó sau đó đã trở thành tuyến đường quan trọng cho Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Khu vực này cũng được Hoa Kỳ sử dụng cho nhiều hoạt động quân sự, từ huấn luyện phi hành gia như Neil Armstrong về kỹ năng sinh tồn trong rừng rậm đến thử nghiệm vũ khí hóa học trong Dự án San Jose giữa thế kỷ XX.

“Thế kỷ XX của chúng ta đầy căng thẳng về những cách diễn giải rất khác nhau về cùng một hiệp ước năm 1903. Có rất nhiều sự cố”, González cho biết, với một điểm gây tranh cãi chính là chủ quyền ở Khu vực Kênh đào, một dải đất phần lớn được coi như một thuộc địa của Hoa Kỳ.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Panama trở nên căng thẳng do bất đồng về quyền kiểm soát và sự phân biệt đối xử với người Panama và các quốc tịch khác so với công nhân Mỹ. Có một thời điểm, Panama thậm chí đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.

Chính Tổng thống Jimmy Carter vào năm 1977 đã làm làm trung gian chuyển giao quyền kiểm soát cho Panama vào năm 1999.

Kênh đào ngày nay

Bất chấp mối lo ngại toàn cầu rằng Panama sẽ không thể quản lý kênh đào một cách thỏa đáng sau khi được trao trả vào năm 1999, tuyến đường thủy này đã phát triển mạnh mẽ dưới sự kiểm soát của nước này. Chỉ 5 năm sau khi tiếp quản, kênh đào đã ghi nhận thu nhập tăng gấp đôi, tỷ lệ tai nạn giảm và còn triển khai thành công dự án mở rộng đầy tham vọng.

fa295c47-2094-4aac-8bc8-8bc02793fbbb.jpeg
Khu vực ngắm cảnh tại Trung tâm du khách Miraflores cho phép mọi người ngắm nhìn tàu thuyền đi qua Kênh đào Panama

Từ một khu vực chủ yếu do người nước ngoài quản lý và vận hành, hiện nay 92% lực lượng lao động tại đây là người Panama, minh chứng cho năng lực quản lý của đất nước này.

Tuy nhiên, kênh đào Panama đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Gần đây, tuyên bố của cựu Tổng thống Trump về việc muốn giành lại quyền kiểm soát kênh đào đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Chính phủ Panama.

94cc5ad9-77a4-4d01-b37c-5ac52b85bf79.jpeg
Hạn hán đã gây ảnh hưởng đến tuyến đường thủy này trong những năm gần đây

Tổng thống José Rául Mulino đã khẳng định dứt khoát rằng toàn bộ kênh đào và vùng lân cận thuộc chủ quyền không thể thương lượng của Panama.

Lời đe dọa lấy lại kênh đào của ông Trump không phải là rủi ro duy nhất mà tuyến đường qua Panama phải đối mặt.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong năm 2023, được ghi nhận là năm khô hạn thứ 3 trong lịch sử, cũng đang tạo ra những áp lực đáng kể. Chính phủ Panama đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua việc xây dựng hồ chứa nước mới và đầu tư vào các giải pháp tái chế nước.

“Việc tìm kiếm một loạt các giải pháp cụ thể, lâu dài vẫn đang tiếp tục”, ACP viết trong bản phát hành tháng 11/2023. “Không có câu trả lời hay dự án đơn giản nào có thể giải quyết ngay lập tức thách thức về nước. Tuy nhiên, Panama sẽ nỗ lực hết mình để bảo vệ Kênh đào Panama trong nhiều năm tới”.

Tuy nhiên, người dân Panama vẫn tràn đầy hy vọng.

“Rõ ràng là Kênh đào Panama và Chính phủ đã di chuyển trong ván cờ của họ để có nước đi tốt nhất, để duy trì kênh đào hoạt động,” Rios nói. “Là người Panama, chúng tôi đang cố gắng hết sức, không phải vì túi tiền, không phải vì lợi ích quốc gia, mà là vì cộng đồng quốc tế”.

Và đối với người Panama, không có niềm tự hào nào lớn hơn kênh đào, một biểu tượng quốc gia có tầm ảnh hưởng quốc tế,được thể hiện qua khẩu hiệu trên quốc huy: "pro mundi beneficio" - vì lợi ích của thế giới.

Theo CNN

>> Lộ diện ‘kho báu’ khổng lồ ở Greenland, có thể khiến quân bài đất hiếm của Trung Quốc trở nên vô dụng

Ông Trump tuyên bố sẵn sàng ‘dùng vũ lực’ để giành lấy Greenland và kênh đào Panama

Chiêu thức của ông Trump trong những phát biểu sốc về Greenland và kênh đào Panama

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/sieu-du-an-noi-lien-hai-dai-duong-tung-khien-5600-nguoi-thiet-mang-nay-tro-thanh-huyet-mach-kinh-te-toan-cau-dong-gop-8-gdp-moi-nam-135145.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Siêu dự án nối liền hai đại dương từng khiến 5.600 người thiệt mạng nay trở thành 'huyết mạch' kinh tế toàn cầu, đóng góp 8% GDP mỗi năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH