Siêu dự án quang điện khổng lồ 13.000ha ở nước gần Việt Nam ‘biến sa mạc thành năng lượng’, dẫn đầu cuộc cách mạng chuyển đổi năng lượng toàn cầu
Ngoài việc cung cấp năng lượng sạch, các tấm pin mặt trời còn đóng vai trò như một lớp bảo vệ quan trọng chống lại sự xâm lấn của cát sa mạc.
Trung Quốc - nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào năng lượng sạch, gần đây đã xây dựng một hệ thống quang điện rộng lớn tại sa mạc Kubuqi, thuộc vùng Nội Mông ở phía Bắc đất nước. Dự án này không chỉ tăng cường khả năng cung cấp năng lượng sạch mà còn khiến sa mạc khô cằn được khoác tấm áo mới.
Với diện tích lên tới 13.000ha, dự án quang điện khổng lồ này được kỳ vọng sẽ sản xuất 6,09 tỷ kWh điện mỗi năm, trở thành dự án quang điện đơn lẻ lớn nhất thế giới. Khi hoàn thành, nó có thể cung cấp điện sạch cho hơn 300.000 người mỗi năm, góp phần quan trọng vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Ngoài việc cung cấp năng lượng sạch, các tấm pin mặt trời còn đóng vai trò như một lớp bảo vệ quan trọng chống lại sự xâm lấn của cát sa mạc vào sông Hoàng Hà, con sông dài thứ hai của Trung Quốc, cách trang trại năng lượng mặt trời khoảng 7km. Điều này không chỉ bảo vệ chất lượng nước của con sông mà còn bảo vệ các cộng đồng lân cận. Tính đến nay, dự án quang điện này đã hoàn thành việc lắp đặt 5,42 triệu kilowatt điện mặt trời trên diện tích hơn 13.333ha đất sa mạc.
Sa mạc Kubuqi với không gian rộng lớn và nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào, là địa điểm lý tưởng cho các trang trại năng lượng mặt trời. Khu vực này nhận được khoảng 3.100 giờ nắng mỗi năm, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án. Đặc biệt, dự án đã tiên phong áp dụng phương pháp chống sa mạc hóa sáng tạo, với các tấm pin mặt trời được lắp đặt ở trên cao, cho phép cây trồng phát triển bên dưới. Những tấm pin này giúp giảm bốc hơi nước ngầm từ 20 đến 30% và tạo bóng mát, hỗ trợ sự phát triển của cây trồng.
Theo tờ The Independent của Anh, lượng điện sản xuất từ dự án quang điện ở Tân Cương đủ để đáp ứng nhu cầu điện của các quốc gia như Luxembourg và Papua New Guinea trong một năm.
Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc cách mạng chuyển đổi năng lượng toàn cầu, với sản lượng điện mặt trời lớn nhất thế giới. Năm 2023, sản lượng điện từ quang điện của Trung Quốc đã tăng hơn 50%. Điện khai thác từ các sa mạc là nguồn năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm và không tiêu thụ nguồn nước khan hiếm ở những vùng đất khô cằn này, hoàn toàn dựa vào năng lượng mặt trời. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, dự kiến đến năm 2050, điện sản xuất từ quang điện mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng quan trọng nhất cho nhân loại, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu điện toàn cầu.