Sở hữu giống sầu riêng được khen là ngon nhất thế giới: Campuchia tự tin bước vào sân chơi tỷ đô
Hiện Campuchia có khoảng 5.289ha trồng sầu riêng, sản lượng hàng năm ước đạt 36.656 tấn.
Campuchia chính thức bước vào đường đua sầu riêng quốc tế khi giống sầu riêng Au Khak – niềm tự hào của xứ sở Angkor – đang gây chú ý mạnh mẽ không chỉ tại khu vực mà còn trên thị trường Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới.
Au Khak là giống sầu riêng đặc biệt được trồng tại các tỉnh Kampot và Kampong Cham. Với cơm vàng óng, dẻo mịn, vị ngọt đậm và béo nhẹ, Au Khak được đánh giá cao về hương vị lẫn độ bền trong bảo quản – một lợi thế rõ rệt so với các giống nổi tiếng như Monthong (Thái Lan) hay Ri6 (Việt Nam).
Không chỉ người tiêu dùng nội địa, các phái đoàn quốc tế cũng dành lời khen ngợi cho giống sầu riêng này. “Tôi rất vui khi được nếm thử Au Khak – loại sầu riêng ngon nhất thế giới”, đại diện Trung Quốc – ông Vương Văn Bân – chia sẻ trong chuyến thăm một trang trại ở Kampot do Hiệp hội Doanh nhân trẻ Campuchia (YEAC) tổ chức.
Trước đây, sầu riêng Campuchia chủ yếu đến Trung Quốc qua đường vòng, thông qua Thái Lan hoặc Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2025, Campuchia đã chính thức được xuất khẩu trực tiếp sầu riêng tươi sang Trung Quốc nhờ nghị định thư kiểm dịch thực vật song phương.
![]() |
Từ năm 2025, Campuchia đã chính thức được xuất khẩu trực tiếp sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Ảnh minh hoạ |
>> Việt Nam sở hữu loại 'nữ hoàng' gia vị đắt đỏ thứ 3 thế giới: Mỹ, Anh, Hà Lan ráo riết săn lùng
Sự kiện này đã tạo động lực bùng nổ cho ngành sầu riêng Campuchia. Đặc biệt, vào tháng 5/2025, quốc gia này đã khánh thành nhà máy đóng gói sầu riêng đầu tiên phục vụ xuất khẩu quốc tế tại làng Chantong, huyện Tbong Khmum. Dự án do HF FRUIT LTD đầu tư, hướng tới thị trường Trung Quốc như bước đi chiến lược dài hạn.
Hiện Campuchia có khoảng 5.289ha trồng sầu riêng, sản lượng hàng năm ước đạt 36.656 tấn. Riêng tỉnh Tbong Khmum đóng góp khoảng 950ha. Tuy nhiên, mặt hàng tiềm năng này vẫn đối mặt nhiều khó khăn như: Giá nội địa biến động mạnh, có thời điểm giảm xuống còn 25.000 đồng/kg do nguồn cung tăng và cạnh tranh gay gắt từ Việt Nam, Thái Lan; Thiếu công nghệ bảo quản hiện đại và thương hiệu quốc tế khiến khả năng cạnh tranh dài hạn còn hạn chế; Chưa đa dạng hóa thị trường, trong khi các đối thủ như Việt Nam đã đưa sầu riêng vào châu Âu nhờ FTA.
Các chuyên gia hàng hóa nhận định: Au Khak là giống sầu riêng tiềm năng để Campuchia định vị thương hiệu quốc gia, nhưng cần chiến lược bài bản gồm: Đầu tư vào công nghệ bảo quản & chuỗi lạnh; Xây dựng thương hiệu quốc tế; Mở rộng thị trường sang châu Âu, Trung Đông.
Với sự hỗ trợ chính sách từ chính phủ và chất lượng trái vượt trội, Au Khak hoàn toàn có thể trở thành “ngôi sao mới” của bản đồ sầu riêng thế giới, sánh vai cùng những tên tuổi lớn của Đông Nam Á.
Nếu "Monthong" là vua, "Ri6" là hoàng tử, thì "Au Khak" đang là ứng cử viên sáng giá cho ngôi “thái tử sầu riêng”. Cuộc chơi trái cây giờ không còn là chuyện của vườn tược mà là cuộc chiến logistics, thương hiệu và chính sách – nơi ai đi trước, đầu tư đủ tầm, sẽ giành được phần ngọt nhất của... múi sầu riêng!
Sầu riêng 'vấp ngã' khiến xuất khẩu rau quả lao dốc
Hé lộ địa phương sắp trở thành siêu vùng trồng sầu riêng mới sau sáp nhập tỉnh thành với 42.000ha