Số lượng người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường tăng gấp đôi trong 3 thập kỷ, vượt mốc 800 triệu người
Nhà nghiên cứu cấp cao nhận định, ở các quốc gia thu nhập thấp, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng trẻ hóa.
Một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí The Lancet đã đưa ra bức tranh đáng lo ngại về tình hình bệnh tiểu đường trên toàn cầu. Theo nghiên cứu, số lượng người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường đã tăng gấp đôi trong ba thập kỷ qua, vượt mốc 800 triệu người.
Nghiên cứu cho biết, vào năm 2022, ước tính khoảng 828 triệu người từ 18 tuổi trở lên trên toàn thế giới đang sống chung với bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Trong số này, có đến 445 triệu người từ 30 tuổi trở lên, chiếm 57%, đang phải đối mặt với căn bệnh này mà không được điều trị. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ như béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động.
Theo nghiên cứu, số lượng người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường đã tăng gấp đôi trong ba thập kỷ qua (Ảnh minh họa)
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước đó ước tính khoảng 422 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh này trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990, từ khoảng 7% lên 14%, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Điều đáng chú ý là mặc dù số ca bệnh tăng mạnh ở các quốc gia này, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị vẫn gần như không cải thiện, trong khi tại các nước thu nhập cao, khả năng tiếp cận điều trị đã được cải thiện rõ rệt.
Nhà nghiên cứu cấp cao Majid Ezzati tại Imperial College London nhận định rằng khoảng cách ngày càng lớn về khả năng điều trị bệnh tiểu đường giữa các nước nghèo và giàu là vấn đề đáng lo ngại. Ông chỉ ra rằng ở các quốc gia thu nhập thấp, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng trẻ hóa. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, những bệnh nhân này sẽ phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng trong suốt cuộc đời.
Nghiên cứu trên là kết quả hợp tác giữa NCD Risk Factor Collaboration và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây cũng là phân tích toàn cầu đầu tiên cung cấp ước tính về tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và tình trạng điều trị tại tất cả các quốc gia. Báo cáo này dựa trên hơn 1.000 nghiên cứu nhỏ, thu thập dữ liệu từ hơn 140 triệu người. Các nhà khoa học đã sử dụng hai loại xét nghiệm tiêu chuẩn, bao gồm đo nồng độ glucose máu lúc đói và hemoglobin glycat hóa (HbA1c), để chẩn đoán tiểu đường, giúp đánh giá tỷ lệ mắc bệnh một cách chính xác hơn.
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng trẻ hóa. (Ảnh minh họa)
Được biết, bệnh tiểu đường là một rối loạn chuyển hóa carbohydrate (đường), xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (tương đối hoặc hoàn toàn) hoặc khi cơ thể không đáp ứng hiệu quả với insulin (kháng insulin). Kết quả là lượng đường (glucose) trong máu tăng cao, vượt ngưỡng lọc của thận, khiến nước tiểu có đường. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra các biến chứng mạch máu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
Tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện từ khi còn trẻ và khó điều trị hơn do cơ thể thiếu hụt insulin nghiêm trọng. Trong khi đó, tiểu đường tuýp 2 chủ yếu ảnh hưởng đến người trung niên và cao tuổi - những người có xu hướng mất độ nhạy cảm với insulin.
>> 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
Bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường… trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam
Bệnh nhân qua đời vì tiểu đường, bác sĩ cảnh báo cần tránh ngay một loại thực phẩm