Trận đánh" của các ông lớn mảng thầu xây dựng năm 2022 đã khép lại với bức tranh không mấy tích cực. Nhiều công ty hiện vẫn chưa chốt kế hoạch kinh doanh năm 2023 ngoại trừ Coteccons.
Như chúng tôi đã thông tin, tại tài liệu dự họp ĐHCĐ thường niên 2023 (ngày 25/4 tới) vừa được CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CTD - HOSE) công bố, đáng chú ý có kế hoạch kinh doanh đột biến năm 2023, đề xuất không chia cổ tức năm 2022 và kế hoạch nới room ngoại lên tối đa 100%.
Coteccons: Kế hoạch lãi sau thuế gấp 11 lần năm 2022
Năm 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.537 tỷ đồng - tăng hơn 60% so với năm 2021 song không đạt kế hoạch 15.010 tỷ đã đề ra; lãi sau thuế ghi nhận 20,8 tỷ - giảm so với mức 24.1 tỷ đồng của năm trước đó. Dù vậy, con số này vừa đủ giúp công ty hoàn thành chỉ tiêu cả năm.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/12/2022 ở mức 336 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT dự trình cổ đông không chia cổ tức và giữ lại toàn bộ số lợi nhuận thặng dư trên. Đáng nói giai đoạn 2016 - 2021, công ty luôn duy trì việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ từ 10 - 55% bằng tiền mặt cùng với một số đợt phát hành cổ phiếu ESOP.
Sang năm 2023, Ban lãnh đạo Coteccons dự trình kế hoạch doanh thu hợp nhất tăng 12% lên mức 16.249 tỷ đồng cùng 233 tỷ đồng lãi sau thuế - tăng 1.010% YoY (gấp 11 lần). Nếu hoàn thành chỉ tiêu này, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất trong 4 năm của CTD trong khi lợi nhuận sẽ là mức cao nhất kể từ năm 2021.
Nhìn lại lịch sử kinh doanh trước đó 10 năm, có thể thấy kể cả việc Coteccons có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh dự kiến trình Đại hội tới đây thì các mục tiêu này vẫn còn cách rất xa giai đoạn đỉnh cao của 5 - 6 năm về trước khi mà doanh thu giai đoạn 2017 - 2018 của công ty đạt đỉnh 27.000 - 28.600 tỷ đồng và bỏ xa những Hòa Bình, Ricons hay Fecon.
Từ mức lợi nhuận nghìn tỷ trong các năm 2016, 2017, 2018, xung đột ngầm trong bộ máy lãnh đạo đã kéo lợi nhuận CTD về đáy 21 tỷ đồng trong năm 2022 (lao dốc 5 năm liên tiếp). Thậm chí, con số mục tiêu 233 tỷ cho năm 2023 tuy gấp 11 lần cùng kỳ song cũng chỉ là mức thấp điểm (bằng 1/6 - 1/7 lần mức lãi lịch sử 1.653 tỷ năm 2017).
Mặc dù vậy, đây vẫn có thể coi là con số đáng khích lệ trong năm thứ 4 ông Bolat Duisenov (lãnh đạo của nhóm cổ đông ngoại Kusto) nắm ghế quyền lực tại Coteccons.
Chủ tịch HĐQT Coteccons - Bolat Duisenov |
Cần nhấn mạnh rằng, xét trong bối cảnh loạt ông lớn làng thầu xây dựng đều khốn đốn trong một vài năm trở lại đây, nhất là năm 2022, việc đặt chỉ tiêu kinh doanh đầy tham vọng cho năm 2023 là tín hiệu đáng khích lệ đối cới Coteccons.
Nhìn lại 10 năm thăng trầm của nhóm thầu xây dựng
Nhìn lại bước tranh doanh thu năm 2022 của nhóm thầu xây dựng, ngoại trừ Fecon ghi nhận doanh thu giảm nhẹ, các ông lớn còn lại đều ghi nhận doanh thu trên 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ mức thấp nhất 7 năm, Coteccons đã đòi lại vị trí số 1 về doanh thu từ tay Hòa Bình (chỉ hơn đối thủ 414 tỷ đồng) sau cú sảy chân trước đó.
Dù vậy, việc trúng giá một số gói thầu trước đây và thực hiện trong bối cảnh giá nguyên vật liệu (thép, xi măng, cát,..) đều tăng mạnh khiến phần lợi nhuận thực tế của nhóm đều giảm mạnh. Cộng thêm chi phí hoạt động lớn khiến khoản lãi sau cùng của nhóm chỉ còn ở mức "tượng trưng" - tương ứng biên lợi nhuận ròng năm 2022 của cả CTD, FCN, Ricons đều dưới 3% trong khi Hòa Bình thâm chí ghi nhận mức âm.
Có thể thấy, xét trong bước tranh rộng, giai đoạn hoàng kim của các doanh nghiệp ngành thầu xây dựng đã đi qua kể từ sau khi nhóm lập đỉnh cả về doanh thu và lợi nhuận trong các năm 2017 - 2018. Ngoại trừ Fecon không ghi nhận quá nhiều biến động, lần lượt CTD, HBC hay Ricons đều chứng kiến lợi nhuận sau thuế rơi rất mạnh.
Trong khi cả 4 gương mặt trên suy yếu trong giai đoạn COVID-19, Newtecons - một tên tuổi khác trong làng thầu xây dựng (đang được điều hành bởi cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons Nguyễn Bá Dương) đã trỗi dậy mạnh mẽ với doanh thu năm 2022 đã chạm mốc 10.000 tỷ đồng. |
Tại ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả của Fecon giảm 10% về mức 4.103 tỷ đồng; Coteccons tăng thêm gần 4.000 tỷ lên mức 10.751 tỷ. Nợ phải trả của Xây dựng Hòa Bình cũng tăng 14% lên gần 14.283 tỷ đồng trong khi con số này với Ricons tăng tới 49% so với đầu năm lên 5.786 tỷ.
Với CTD, sau 3 năm "thay tướng" (thời điểm nhóm Kusto lên nắm quyền), dù tạo ra tới 38.200 tỷ đồng doanh thu song tổng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 380 tỷ, biên lãi ròng chưa đầy 1%. Đến cuối năm 2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty âm tới 1.626 tỷ trong khi năm 2021 dương 421 tỷ.
Trong khi đó với Xây dựng Hòa Bình, xung đột ghế quyền lực trong những ngày cuối năm 2022 - đầu 2023 (thậm chí đã âm ỉ trước đó vài tháng) trở thành điểm nhấn cho khoản lỗ ròng nghìn tỷ trong quý 4 và cả năm của ông lớn làng thầu này.
Xung đột kết thúc, ông Lê Viết Hải giữ vai trò Chủ tịch HĐQT HBC |
Thậm chí, với dư âm của những biến cố này, Hòa Bình vừa thông báo giãn họp ĐHCĐ 2023 thêm 2 tháng (sang cuối tháng 6). Hay như trước đó công ty cũng xin gia hạn nộp báo cáo kiểm toán năm 2022 sang cuối tháng 5.
Soi tham vọng của những chủ thầu năm 2023?
Đến thời điểm hiện tại, nhóm ông lớn làng thầu hiện mới chỉ có Coteccons lên phương án chi tiết về kế hoạch kinh doanh năm 2023. Việc đặt tham vọng lớn cho năm nay ngay lập tức giúp cổ phiếu CTD tăng mạnh 5% ngay đầu phiên sáng 5/4 lên mức 48.300 đồng.
So với mức 33.500 hồi cuối tháng 2, tính từ đầu tháng 3 tới nay, mã đã tăng mạnh 44% giá trị.
Diễn biến giá cổ phiếu CTD |
Trong khi đó, giống Hòa Bình, HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons cũng vừa thông báo gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 chậm nhất đến ngày 30/6/2023. Theo đó, đến thời điểm hiện tại công ty vẫn chưa công bố tài liệu họp Đại hội.
Trong khi đó, CTCP Fecon sẽ tổ chức ĐHCĐ vào ngày 27/4 tới đây. Công ty hiện chưa công bố tài liệu họp.
Với Newtecons, sau khi ghi nhận doanh thu vượt mốc 11.000 tỷ đồng năm 2022, tại lễ ký kết kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 hồi đầu tháng 1, Ban điều hành công ty nhận định, nếu thị trường có những chuyển biến tích cực, Newtecons vẫn hướng đến mục tiêu tăng trưởng hơn 10% so với năm trước.
Năm 2023, thị trường bất động sản vẫn được nhận định gặp nhiều khó khăn (ít nhất đến hết bán niên) trong bối cảnh các vấn đề nội tại của doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được giải quyết.
Phần lớn các doanh nghiệp tham gia khảo sát do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện vào tháng 2/2023 tỏ ra khá thận trọng đối với triển vọng kinh doanh năm nay khi phải đối mặt với sức ép tài chính rất lớn.
Tuy nhiên, giai đoạn 2023 - 2024 dự báo sẽ là cao điểm giải ngân đầu tư công qua đó mang đến nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Khi các nguyên liệu thép/tôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí xây dựng công nghiệp đang dần ổn định, biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp lĩnh vực này dự kiến sẽ có sự cải thiện khi hợp đồng với các nhà cung cấp được điều chỉnh theo đơn giá mới.
Bên cạnh đó, câu chuyện về giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 120.000 tỷ cũng sẽ là những từ khóa giải đáp bài toán kế hoạch kinh doanh của các ông lớn làng thầu xây dựng.
Ngày 31/3/2023, Vietnam Report đã công bố Top 10 công ty xây dựng năm 2023. Sau những biến động về nhân sự thượng tầng, Tập đoàn Hoà Bình mất vị trí top 1 vào tay "trùm xây dựng" Coteccons. Ricons, Newtecons - những công ty trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương tiếp tục có 2 cái tên góp mặt trong top 5. |
Cổ đông HBC lại "lười" họp ĐHCĐ, kế hoạch phát hành 274 triệu cp chưa được thông qua
Loạt dự án trọng điểm được Hưng Thịnh Incons (HTN) đẩy mạnh thi công