ĐHCĐ thường niên lần 1 năm 2022 của Hạ tầng TP. HCM diễn ra bất thành trong bối cảnh cổ phiếu CII giảm hơn 50% từ đỉnh về vùng 3x. Sau 1 năm, công ty lại tổ chức ĐHCĐ thường niên bất thành và cổ phiếu CII lúc này chỉ còn giá dưới 15.000 đồng.
Sáng 26/4/2023, ĐHCĐ thường niên 2023 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (Mã CII - HOSE) đã diễn ra bất thành do chỉ ghi nhận 45,76% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết dự họp (không đủ tỷ lệ tối thiểu).
Giải thích với cổ đông về tỷ lệ tham dự đạt chưa được 50%, Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Hoàng cho biết: "Nhóm cổ đông nước ngoài hiện nắm gần 25,9 triệu cổ phiếu CII (tỷ lệ 10,26% vốn) sáng nay không tham dự".
Được biết trước ngày tổ chức Đại hội năm nay, CII đã áp chương trình khuyến khích cổ đông tham dự ĐHCĐ thường niên 2023 thông qua phần quà tri ân nếu nhà đầu tư tham gia đại hội; tùy thuộc vào số lượng cổ phần sở hữu, cổ đông sẽ nhận quà bằng tiền.
Trước đó ĐHCĐ thường niên 2022 cũng chỉ được diễn ra trong lần thứ 2 tổ chức.
Theo tài liệu họp công bố trước đó, năm 2023, Hạ tầng CII lên kế hoạch doanh thu 5.155 tỷ đồng - giảm 31,4% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 469,3 tỷ -giảm 49,5% YoY.
Công ty dự trình cổ đông kế hoạch cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và giữ nguyên tỷ lệ này cho năm 2023.
Bên cạnh đó, CII dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 14% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 14 cổ phiếu mới). Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 2.840 tỷ đồng lên 3.193 tỷ.
Cổ đông "tiền trạm" nhiều vấn đề tài chính
Mặc dù ĐHCĐ thường niên 2023 diễn ra bất thành song Ban lãnh đạo CII vẫn tiếp nhận và giải đáp một số câu hỏi của cổ đông dự họp.
Một cổ đông hỏi: "Vì sao công ty không mua cổ phiếu quỹ để đẩy giá cổ phiếu?"
Ông Lê Quốc Bình - Thành viên HĐQT - Tổng Giám đốc CII cho biết: Về giá cổ phiếu, có 2 khái niệm đầu tư và đầu cơ. Khi đầu tư, chúng tôi sẽ nghiên cứu doanh nghiệp rất kỹ. CII không thể nào chạy theo giá cổ phiếu được. Nếu đứng ra tạo ảnh hưởng thì sẽ làm mất yếu tố thị trường của cổ phiếu. Khi thị trường đánh giá quá thấp tiềm năng CII thì công ty mới mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, với thị trường hiện nay thì mua bao nhiêu cũng không cứu được.
Trên thị trường chứng khoán, đến hết phiên 26/4/2023, cổ phiếu CII đóng cửa giảm nhẹ về còn 14.150 đồng; khớp lệnh hơn 4,9 triệu đơn vị. Đã 6 phiên liên tiếp mã không tăng giá. Rộng hơn, cổ phiếu này đã điều chỉnh trở lại trong 3 tuần gần nhất sau nhịp hồi lên mức 15.700 đồng hồi đầu tháng 4.
Nếu tính từ mức đỉnh 57.900 đồng (giá sau điều chỉnh phiên 7/1/2022) cổ phiếu CII hiện đã giảm hơn 75% giá trị; thanh khoản cổ phiếu cũng chỉ bằng phân nửa so với giai đoạn tạo đỉnh.
Cuối tháng 9/2022, cổ phiếu CII mới được HOSE cấp margin trở lại sau khi bị cắt do lỗ ròng kiểm toán năm 2021.
Về kế hoạch phát hành 2 lô trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 10 năm để huy động 4.500 tỷ đồng phục vụ nguồn tài chính/thanh toán nợ tại một số dự án BOT vừa công bố hồi tháng 4 vừa qua, cổ đông hỏi: Nếu không phát hành được lô trái phiếu chuyển đổi thì sao?
Phúc đáp, ông Lê Quốc Bình cho biết: Nếu không phát hành thành công thì bao nhiêu tiền ngân hàng nuốt hết; có tiền nhưng không thể nhận nên cổ đông có thể phải đợi trả xong nợ ngân hàng mới được chia cổ tức.
Ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc CII |
Một cổ đông khác tiếp ý: "Tại sao không phát hành cổ phiếu mà lại là phát hành trái phiếu?".
Trả lời vấn đề trên, lãnh đạo Hạ tầng TP. HCM cho biết cả hai phương án huy động vốn này là như nhau. Khác biệt ở chỗ phát hành trái phiếu chuyển đổi thỏa mãn được 2 nhóm nhà đầu tư gồm trái chủ (muốn nhận tiền mặt) và những nhà đầu tư khác (muốn mua cổ phiếu).
Vẫn trong chủ đề phát hành trái phiếu chuyển đổi, cổ đông chất vấn ban lãnh đạo "Tại sao không phát hành trái phiếu cho cổ đông với lãi suất 15 - 18%/năm?".
Về vấn đề này, ông Bình nhấn mạnh: "Nếu doanh nghiệp phát hành với lãi suất 14 - 15%/năm thì trước sau gì cũng có chuyện. Cơ quan quản lý cũng sẽ đặc biệt chú ý khi có đơn vị phát hành lãi suất quá cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay".
Ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 của CII, doanh nghiệp hạ tầng này đang có tổng tài sản ở mức 28.560 tỷ đồng (nếu tính cả dự án Trung Lương - Mỹ Thuận là 40.000 tỷ); nợ phải trả hợp nhất kiểm toán là 20.258 tỷ (nếu tính gộp đến hiện tại thì tăng lên mức 26.000 tỷ) trong đó dư nợ vay tài chính hơn 14.580 tỷ.
Vietinbank đang là chủ nợ lớn nhất của công ty với gần 4.300 tỷ. CII ghi nhận dư nợ trái phiếu trên mốc 3.000 tỷ đồng.
Được biết, CII tất toán xong 62% nợ trái phiếu phải trả trong năm 2023. Cuối tháng 7 và 8 tới đây, các lô trái phiếu CIIBOND2020-04 (giá trị 800 tỷ) và CCI-H-20-23-006 (giá trị 550 tỷ) sẽ lần lượt đáo hạn.
Vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2022 của Hạ tầng CII ở mức 8.300 tỷ đồng (bao gồm 2.450 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 2.840 tỷ thặng dư vốn cổ phần).
Liên quan đến câu hỏi: "Chiến lược dài hạn của công ty là gì?", Tổng Giám đốc CII cho biết: "20 năm nay, CII luôn theo đuổi chiến lược “Đầu tư cơ sở hạ tầng có nguồn thu tốt” chứ không phải chỉ dự án BOT. Công ty đang nghiên cứu nhưng chưa đầu tư các dự án xử lý nước thải. Chừng nào có luật cấm xả rác và xử phạt rác theo ký thì mới có thể đầu tư.
Thêm nữa, trong quá trình làm đường, CII có thể sẽ làm thêm các dự án bất động sản chứ không chủ trương đầu tư bất động sản ngay từ đầu.
Chúng tôi cũng không bao giờ tham gia các hợp đồng BT. Hai năm nữa sẽ thấy hậu quả của xu hướng đầu tư công đang nổi hiện nay. CII chỉ làm các công trình do CII đầu tư, không làm các dự án BT do đơn vị khác nắm vốn".
NBB muốn rót gần 4.500 tỷ đồng vào dự án treo 17 năm vừa được 'hồi sinh' tại TP. HCM
CII thoái vốn toàn bộ một công ty con giữa giai đoạn tái cấu trúc