Soi lãi/lỗ các cổ phiếu trong "giỏ hàng" của chứng sĩ nửa đầu năm 2022

04-07-2022 14:42|Anh Tú

Kết tháng 6/2022, VN-Index đứng mức 1.197,6 điểm - giảm 300,68 điểm (-20,07%) so với cuối năm 2021; HNX-Index giảm đến 41,42% xuống 277,68 điểm. Trên cả 3 sàn có đến hơn 520 mã cổ phiếu nằm dưới mệnh giá.

Trong những ngày đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có những diễn biến tích cực và đạt mức đỉnh lịch sử mới. Tuy nhiên, ngay sau đó, trước những diễn biến kinh tế - chính trị phức tạp, thị trường đã trải qua nhịp điều chỉnh giảm mạnh kể từ đầu tháng 4 tới nay.

Có thể thấy trong khoảng 3 tháng gần đây, thị trường đã liên tục biến động theo chiều hướng tiêu cực trước hàng loạt các thông tin bên ngoài tác động như chiến tranh Nga - Ukraine, Fed tăng lãi suất, lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tăng cao, các biện pháp cứng rắn nhằm tăng sự minh bạch trên thị trường...

Kết phiên giao dịch cuối tháng 6/2022, VN-Index đứng ở mức 1.197,6 điểm - giảm 300,68 điểm (-20,07%) so với cuối năm 2021; HNX-Index giảm đến 41,42% xuống 277,68 điểm; UPCoM-Index giảm 24,05% xuống 85,58 điểm.

Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.339 nghìn tỷ đồng - giảm 18,4% so với cuối năm 2021, tương đương 75,5% GDP.

Tính riêng trong quý II/2022, VN-Index giảm 294,55 điểm (-19,74%) so với cuối quý I; HNX-Index giảm 38,34%; UPCoM-Index giảm 26,88%.

Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng có sự đi xuống rõ rệt. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong nửa đầu năm 2022 đạt 25.673 tỷ đồng/phiên - giảm 14,8% so với nửa cuối năm ngoái trong đó giá trị khớp lệnh bình quân giảm 15,2% xuống 23.677 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng quý II, giá trị giao dịch bình quân giảm đến 34,2% xuống 20.525 tỷ đồng/phiên trong đó giá trị khớp lệnh bình quân đạt chỉ 18.654 tỷ đồng/phiên - giảm 35,8%.

Việc thị trường biến động tiêu cực đã khiến hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc, nhiều mã cổ phiếu đã mất trên 60% và lùi xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng thị giá.

Theo dữ liệu của FiinPro, trên cả 3 sàn giao dịch đến hết phiên 28/6 có tổng cộng 528 mã cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá trong đó 56 mã có khối lượng khớp lệnh bình quân 3 tháng đạt trên 500.000 đơn vị/phiên.

Trong danh sách trên, 218 cổ phiếu ở trên mệnh giá vào thời điểm 6/1 nhưng hiện tại đã về dưới mốc này.

Rất nhiều các "hệ sinh thái" từng "làm mưa làm gió" trên thị trường trong năm 2021 như Louis Holdings, Trí Việt, FLC... đều dần quay trở về mức giá cũ khi liên tục lao dốc.

Trên góc độ toàn thị trường trong quý II/2022, cổ phiếu CAB của Truyền hình Cáp Việt Nam (UPCoM: CAB) là mã giảm mạnh nhất với 88,7%. Tuy nhiên, CAB nằm trong diện thanh khoản rất thấp. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân quý II chỉ vỏn vẹn 821 đơn vị/phiên.

Trong danh sách các cổ phiếu giảm giá mạnh quý II có các mã từng có những đợt bứt phá mạnh trong năm 2020 - 2021 đó là L14 của Licogi 14 giảm hơn 70%, TGG của Louis Capital giảm 69,6%, THD của Thaiholdings giảm 66,4%, TVB của Chứng khoán Trí Việt giảm 63,9%, BII của Louis Land giảm 62,8%.

Ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định đã khởi tố vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Chứng khoán Trí Việt, Louis Holdings, Louis Capital, Louis Land và các đơn vị liên quan đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 4 cá nhân về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự, gồm Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings, thành viên Hội đồng Quản trị Louis Capital, Louis Land; Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc Hành chính Louis Holding; Đỗ Đức Nam, Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thùy Liên, nhân viên Dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt.

Trong khi đó, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường quý II là GLW của Cấp thoát nước Gia Lai với 168,4%.

Đáng kể, danh sách 30 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường quý II đa phần đều thuộc sàn UPCoM và HNX với thanh khoản duy trì ở mức rất thấp. VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh là cổ phiếu sàn HOSE hiếm hoi lọt vào danh sách này với mức tăng gần 60% sau 3 tháng giao dịch.

Tại top 50 vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán, trong quý II chỉ có 5 mã tăng giá là REE của Cơ điện lạnh, PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, DGC của Hóa chất Đức Giang, BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn và GAS của PV GAS tăng giá. Trong 5 mã này, REE tăng mạnh nhất với 22,7%; PNJ tăng 16,9%.

ree4.png
Diễn biến giá cổ phiếu REE

Áp lực lạm phát đang rất lớn, "đánh chứng" sao để không thua lỗ?

Ở chiều ngược lại, có đến 19 mã trong top 50 vốn hóa giảm trên 20% trong quý II trong đó có những cái tên khiến nhà đầu tư phải thất vọng như HPG của Hòa Phát giảm 34,7%, TCB của Techcombank giảm 28,3%, STB của Sacombank giảm 32,2%, BID của BIDV giảm 23%,...

Theo chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2022, trước nhiều ý kiến cho rằng công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp, ông Long cho rằng các cổ đông sẽ thấy được những khó khăn của ngành thép sau kết quả kinh doanh quý II, quý III và cả năm "thê thảm" nên ban lãnh đạo công ty phải đặt ra mục tiêu thận trọng. Kế hoạch năm nay được đánh giá là thách thức.

Mã CKSànGiá 31/12/2021
(đ/cp)
GIá 31/3/2022
(đ/cp)
Giá 30/6/2022
(đ/cp)
% Thay đổi quý II% Thay đổi 6 thángVốn hóa
(tỷ đồng)
VCBHOSE78.80082.10074.800-8,89%-5,08%353.992
VICHOSE95.10081.20073.500-9,48%-22,71%280.324
VHMHOSE79.67173.64762.100-15,68%-22,05%270.406
GASHOSE96.200108.300115.5006,65%20,06%221.061
ACVUPCOM83.94592.89979.806-14,09%-4,93%173.734
BIDHOSE37.10043.50033.500-22,99%-9,70%169.461
MSNHOSE142.494118.495112.000-5,48%-21,40%159.457
VNMHOSE84.98380.90072.200-10,75%-15,04%150.895
NVLHOSE91.00080.10074.500-6,99%-18,13%145.259
HPGHOSE35.11634.13222.300-34,67%-36,50%129.670
VPBHOSE35.80037.20029.000-22,04%-18,99%128.919
CTGHOSE33.90032.45026.150-19,41%-22,86%125.670
TCBHOSE50.00049.55035.550-28,25%-28,90%124.813
MWGHOSE67.50872.42671.500-1,28%5,91%104.655
SABHOSE147.741159.000154.600-2,77%4,64%99.142
FPTHOSE76.79988.36186.200-2,45%12,24%94.564
MBBHOSE28.90032.95024.200-26,56%-16,26%91.435
GVRHOSE36.95034.00022.550-33,68%-38,97%90.200
BSRUPCOM23.14926.30928.6178,77%23,62%88.727
ACBHOSE27.60026.44024.000-9,23%-13,04%81.058
VGIUPCOM32.72436.03824.373-32,37%-25,52%74.187
VJCHOSE128.300140.500130.000-7,47%1,33%70.409
MCHUPCOM114.366112.73597.111-13,86%-15,09%69.520
BCMHOSE64.00073.40067.000-8,72%4,69%69.345
VREHOSE30.10033.45028.550-14,65%-5,15%64.875
SSBHOSE35.53431.88231.600-0,88%-11,07%62.596
VEAUPCOM43.84947.63543.562-8,55%-0,65%57.885
PLXHOSE53.90055.20040.300-26,99%-25,23%51.205
HDBHOSE30.85028.35024.000-15,34%-22,20%48.293
VIBHOSE35.03534.85021.500-38,31%-38,63%45.315
DGCHOSE73.682105.062116.50010,89%58,11%43.250
TPBHOSE41.05040.15027.150-32,38%-33,86%42.945
STBHOSE31.50031.70021.500-32,18%-31,75%40.532
EIBHOSE33.70036.90032.000-13,28%-5,04%39.342
BVHHOSE56.00061.50052.500-14,63%-6,25%38.972
SHBHOSE22.30021.40013.500-36,92%-39,46%36.003
GE2UPCOM28.00032.70029.900-8,56%6,79%35.481
PDRHOSE69.84865.66651.800-21,12%-25,84%34.791
HVNHOSE23.15024.90015.500-37,75%-33,05%34.323
POWHOSE17.50015.85013.600-14,20%-22,29%31.849
PNJHOSE95.164109.925128.50016,90%35,03%31.144
MVNUPCOM30.88035.55425.600-28,00%-17,10%30.735
REEHOSE59.41070.24386.20022,72%45,09%30.636
SSHUPCOM100.317100.11680.510-19,58%-19,74%30.191
PGVHOSE39.00335.30026.200-25,78%-32,83%29.435
SSIHOSE46.79637.94318.800-50,45%-59,83%28.015
MSBHOSE29.00025.40017.000-33,07%-41,38%25.968
KSFHNX76.800106.80084.000-21,35%9,38%25.200
KBCHOSE45.60039.82532.700-17,89%-28,29%25.101
KDHHOSE51.00052.80038.900-26,33%-23,73%25.01

Tính chung trong nửa đầu năm 2022, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thị trường thuộc về SQC của Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn với mức giảm 90,2% từ 94.300 đồng/cp xuống chỉ còn vỏn vẹn 9.282 đồng/cp. Công ty được thành lập ngày 11/12/2006, ngành nghề kinh doanh chính là khai thác, chế biến, mua bán quặng titan và các sản phẩm hậu titan; gia công chế tạo mua bán máy móc thiết bị và phụ tùng máy khai thác khoáng sản; sản xuất bê tông và các sản phẩm khác từ xi măng... Sau nhiều lần tăng vốn, Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn hiện có mức vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng, chuyên lĩnh vực khai khoáng. Cổ đông lớn nhất hiện nay là ông Đặng Thành Tâm với sở hữu cá nhân hơn 40% vốn.

Trong khi đó, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nửa đầu năm 2022 là XMD của Xuân Mai - Đạo Tú với 721,05% từ 1.900 đồng/cp lên 15.600 đồng/cp. Dù vậy, đà tăng của XMD diễn ra mạnh vào quý I trong khi quý II/2022, cổ phiếu này đã mất gần 50% giá trị từ 31.056 đồng/cp xuống 15.600 đồng/cp.

Xuân Mai - Đạo Tú tiền thân là chi nhánh của CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, chính thức chuyển đổi hoạt động sang hình thức công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty Cổ phần Xuân Mai - Đạo Tú từ năm 2008.

Đáng chú ý, danh sách 30 mã tăng giá mạnh nhất thị trường nửa đầu năm 2022 không có bất kỳ cổ phiếu nào thuộc sàn HOSE.

Hồi sinh dự án 'đắp chiếu' 10 năm, tăng trưởng Sudico bật tăng gấp 17 lần

Bản tin tài chính sáng 25/12/2023: Giá vàng dự báo tăng, dầu và USD giảm

VN-Index thủng mốc 1.085, cổ phiếu HAG, HQC, DLG ngược dòng tăng mạnh

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/soi-lailo-cac-co-phieu-trong-gio-hang-cua-chung-si-nua-dau-nam-2022-138712.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Soi lãi/lỗ các cổ phiếu trong "giỏ hàng" của chứng sĩ nửa đầu năm 2022
POWERED BY ONECMS & INTECH