Theo kết quả điều tra, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Một phút "huy hoàng" rồi vụt tắt...
Ngày 17/12/2021 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan đồng thời ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng.
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật.
Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm COVID cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 05 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.
Liên quan đến sự vụ này, từ chiều 20/12/2021, trên trang web của Bộ KH-CN, thông tin "bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất được WHO chấp thuận" đăng tải trước đó đã không còn tìm thấy nội dung.
Theo ghi nhận, chiều tối 20/12, tuy vẫn tồn tại đường link trên công cụ google tìm kiếm nhưng khi mở ra, những thông đến các chủ đề như: "Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu", "Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá...", "Bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2: Thành công từ "nhiều mũi giáp công"... liên quan đến bộ test kit của Công ty Việt Á đã không còn tồn tại trên trang website của Bộ Khoa học & Công nghệ.
Trước đó, ngày 26/4/2020, Bộ Khoa học - Công nghệ đã công bố trên website của Bộ với tiêu đề: "Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận".
Còn hơn "lẹt đẹt" lãi hàng trăm triệu mỗi năm
Về phía Việt Á, theo nguồn doanhnghiepvatiepthi, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2007 với tên cũ là CTCP Thương mại - Sản xuất và Dịch vụ Việt Á, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP. HCM. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của Việt Á là ông Phan Quốc Việt (sinh năm 1980).
Trên trang chủ, Việt Á giới thiệu là một công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, sở hữu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử, là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật realtime PCR và lai phân tử. Bên cạnh đó, Việt Á là đơn vị trúng thầu tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước.
Cụ thể, doanh nghiệp này từng trúng gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016 - 2017 (cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho Bệnh viện Quân y 175; Gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm năm 2018 - 2019 cho Bệnh viện Da liễu Trung ương; gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn (gồm 609 danh mục) tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm (gồm 3.296 danh mục) tại Bệnh viện Bạch Mai....
Tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận những năm trước của Việt Á rất khiêm tốn trong đó năm 2018 và 2019 doanh thu chỉ đạt hơn 60 tỷ đồng, lợi nhuận ghi nhận lần lượt -166 triệu đồng và lãi 23 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, 2020 là năm đầu tiên được cấp phép lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm COVID, doanh thu của Việt Á đã tăng gấp 8 lần cùng kỳ năm trước đạt 407 tỷ đồng, sang năm 2021 khả năng tiếp tục tăng gấp nhiều lần khi số liệu của Bộ Công An cho thấy Việt Á đã thu về 4.000 tỷ từ việc cung ứng kit xét nghiệm.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương (tổ chức ngày 26/9/2021), Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đã từng đặt câu hỏi "Giá kit xét nghiệm COVID-19 ở Việt Nam có đang cao bất thường? Ông Hồng Anh cho rằng bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 mua ở nước ngoài chỉ từ 25.000 – 35.000 đồng/kit nhưng khi về tới Việt Nam có giá cao gấp nhiều lần - từ 80.000 – 200.000 đồng/kit.
Theo ông Đặng Hồng Anh, với mức giá này, cộng thêm các chi phí khác như vận chuyển, lưu trữ kho bãi, giá vốn sẽ rơi vào khoảng 50.000 đồng/kit. Đó là chưa kể nếu mua trực tiếp từ nhà sản xuất với số lượng lớn, giá sẽ rẻ hơn rất nhiều. Trong khi đó, các địa phương đấu thầu các test này khoảng 70.000 - 80.000 đồng.
Theo cơ quan điều tra, Việt Á đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 để thông đồng với lãnh đạo CDC hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống báo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Một công ty gửi đơn lên Bộ Công an đòi Việt Á trả lại tiền chênh lệch
Chiều tối 20/12, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc CTCP Thủy sản sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng)cho biết, doanh nghiệp đã có đơn gửi Bộ Công an và Công an tỉnh Sóc Trăng để báo cáo tình hình giao dịch với Công ty Việt Á.
Ông Phục cho biết, từ ngày 30/7 đến 11/10/2021, công ty của ông 4 lần mua hóa chất phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR của Công ty Việt Á.
Thời điểm mua, công ty có trả giá nhưng phía Công ty Việt Á trả lời "giá này do Bộ Y tế quy định nên không thể giảm". "Tôi rất an tâm khi nghe nói như vậy, ai dè không ngờ hôm nay mới biết mình mua với giá khá cao", ông Phục nói.
Vị lãnh đạo này đề nghị sau khi có kết luận điều tra, cơ quan có thẩm quyền cần buộc Công ty Việt Á phải hoàn trả số tiền chênh lệch mà công ty của ông đã mua.
Sun Group tự tin hoàn thành sân bay đầu tiên của Bộ Công An trong 12 tháng
Từ 2025, người dân được đăng ký, bấm biển số xe nhập khẩu qua VNeID